Giảm tối đa nội dung giao Chính phủ quy định
Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính – Ngân sách (UBTCNS), sau khi Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 4, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý và thống nhất bỏ 2 Điều; bổ sung 5 Điều; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung 7 nội dung của các Luật có liên quan; bổ sung thêm Phụ lục số 2 để làm rõ Danh mục các hàng hóa, dịch vụ đưa ra khỏi phạm vi Nhà nước định giá. Đồng thời, từng điều khoản đã được hoàn chỉnh về kỹ thuật lập pháp.
Tại báo cáo, UBTCNS cũng đã nêu về một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Giá (sửa đổi) như: nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan; bình ổn giá; Quỹ Bình ổn giá; định giá…
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo |
Về nhiệm vụ, quyền hạn, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa việc phân quyền cho các cơ quan, các cấp; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong quản lý nhà nước, hạn chế giao Chính phủ hướng dẫn.
Giải trình nội dung này, Thường trực UBTCNS cho biết về trách nhiệm, theo Luật Giá hiện hành, việc phân công nhiệm vụ giữa các bộ, ngành; giữa cơ quan trung ương với địa phương; giữa các sở, ngành ở địa phương còn một số nội dung chưa chưa thống nhất, nhiều đầu mối, quy trình thực hiện chưa gắn với trách nhiệm, khi phát sinh vướng mắc thường khó xác định trách nhiệm. Vì vậy, UBTCNS và cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, làm rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức trong dự thảo Luật.
Theo đó, tại Chương III: “Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về giá” đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh; bỏ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh. Các nội dung sửa đổi thể hiện từ Điều 12 đến Điều 16 trong Dự thảo Luật mới.
Thường trực UBTCNS cũng đã phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát kỹ dự thảo Luật, theo đó chỉ giao Chính phủ, Bộ Tài chính quy định chi tiết những nội dung về kỹ thuật, trong thực hiện sẽ có thể phải điều chỉnh phù hợp thực tiễn như phương pháp định giá, tiêu chuẩn thẩm định giá, vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, quy trình định giá… So với Dự thảo Luật đã trình Quốc hội, Dự thảo Luật lần này đã giảm tối đa nội dung giao Chính phủ quy định (còn 10 nội dung so với 13 nội dung tại Dự thảo đã trình Quốc hội).
Nhiều ý kiến tán thành giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu
Về bình ổn giá, nhiều đại biểu Quốc hội và cơ quan thẩm tra đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành, theo đó cần quy định rõ mặt hàng bình ổn giá trong Luật, trường hợp cần điều chỉnh, giao UBTVQH xem xét, quyết định. Mục tiêu là để công khai, minh bạch, hạn chế sự can thiệp của cơ quan quản lý đến quy luật cung cầu…
Cơ quan soạn thảo đề nghị giao Chính phủ quy định mặt hàng bình ổn giá bởi việc thực hiện bình ổn giá có tính thời điểm khi giá hàng hóa dịch vụ có biến động bất thường, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế – xã hội, mục tiêu kiểm soát lạm phát… và khi phát sinh Chính phủ có trách nhiệm triển khai biện pháp đã được quy định tại Luật để điều hành cụ thể.
Dự thảo Luật đã quy định về: tiêu chí xác định Danh mục bình ổn giá tại Điều 17; nguyên tắc, các trường hợp và biện pháp bình ổn giá tại Điều 18; việc tổ chức thực hiện bình ổn giá trong các trường hợp cụ thể tại Điều 19. Chính phủ có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, linh hoạt, ứng phó ngay được với các diễn biến bất thường, bảo vệ kịp thời nhất quyền lợi cho người tiêu dùng, nhà sản xuất, ổn định kinh tế – xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. |
Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhiều ý kiến tán thành về sự cần thiết duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu vì đây là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính. Trong bối cảnh hiện nay, thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, cần có sự điều hành của Nhà nước. Việc này cũng phù hợp khi quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở, hơn nữa lượng dự trữ xăng dầu còn mỏng nên việc bỏ Quỹ là chưa phù hợp.
Ngược lại, một số ý kiến đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì đây là quỹ tài chính do người tiêu dùng chi trả, song lại do doanh nghiệp quản lý và quyết định sử dụng nằm tại cơ quan điều hành, chưa có quy định về thời hạn hoạt động của Quỹ. Hiện nay, giá xăng dầu trong nước đã liên thông với giá thế giới, việc lập quỹ là sự can thiệp của Nhà nước vào một loại mặt hàng có tính nhạy cảm rất cao với thị trường, khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới khó đồng nhất. Trường hợp cần thiết, Nhà nước có thể sử dụng những công cụ khác như thuế, phí hoặc hỗ trợ trực tiếp đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng nặng nề từ giá xăng dầu tăng cao.
Liên quan đến định giá, nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể các tiêu chí, trường hợp hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá, phương pháp định giá và Danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá cần rà soát kỹ lưỡng, phù hợp với các luật chuyên ngành; đồng thời có ý kiến chi tiết về một số hàng hóa, dịch vụ cụ thể.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực UBTCNS đã rà soát, chỉnh lý, bổ sung một số quy định về nguyên tắc, phương pháp, tiêu chí, thẩm quyền, cơ sở pháp lý của văn bản định giá và Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá nhằm bảo đảm khả thi, minh bạch, bảo vệ những người làm công tác định giá.
Quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá Tại Dự thảo Luật đã quy định cụ thể Danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá. Đối với những hàng hóa, dịch vụ được quy định tại các luật chuyên ngành, đã quy định theo hướng các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan ban hành phương pháp định giá như điện, đất đai, dịch vụ khám chữa bệnh, học phí, dịch vụ giáo dục, bản quyền khi khai thác, sử dụng tác phẩm ghi âm, ghi hình… Đối với Danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá được quy định tại Dự thảo Luật, đã chỉnh lý, bổ sung chi tiết liên quan đến thẩm quyền, hình thức định giá các mặt hàng do Nhà nước định giá và được thể hiện tại Danh mục kèm theo Dự thảo Luật. |