“Điểm đen” thẩm định giá khi cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước

“Điểm đen” thẩm định giá khi cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước
“Điểm đen” thẩm định giá khi cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước - Ảnh 2

Thưa ông, thời gian qua, xuất hiện tình trạng xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa không chính xác, dẫn đến nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước, nhiều vụ việc đã bị xử lý hình sự. Vậy, đâu là những lỗ hổng trong thẩm định giá hiện nay?

Khi định giá doanh nghiệp, các chính sách chúng ta đưa ra cũng có nhiều thay đổi, dẫn đến tình trạng Kiểm toán Nhà nước vào làm việc lại thì giá trị doanh nghiệp tăng lên so với thời điểm cổ phần hóa, thoái vốn.

Tiến độ cổ phần hóa chậm trễ nói chung và những bất cập trong khâu thẩm định giá nói riêng do một số nguyên nhân sau.

Thứ nhất, xuất phát từ áp lực của những người thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, họ sợ không bán được nên phải tìm một mức giá phù hợp.

Thứ hai, do các quy định của Nhà nước trong định giá doanh nghiệp, trong đó có xác định giá đất, hiện còn bất cập.

Lỗ hổng lớn nhất hiện nay là những doanh nghiệp nhà nước có đất nhưng trả tiền thuê đất một lần thì tài sản này mới được tính vào giá trị doanh nghiệp. Còn đất thuê trả tiền hàng năm sẽ không được đưa vào tính giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Đây cũng là nguyên nhân lớn nhất khiến các cơ quan kiểm toán vào làm việc thấy giá trị mà cơ quan kiểm toán xác định lại cao hơn nhiều so với giá trị ban đầu.

Những doanh nghiệp thuê đất trả tiền hàng năm không có quyền sử dụng đất nhưng họ có quyền ưu tiên thuê đất hàng năm. Vì vậy, họ hy vọng rằng khi họ nắm quyền chi phối doanh nghiệp thì họ sẽ chuyển mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp, có thể thu lời rất lớn…

Kể cả khi doanh nghiệp không xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì với lợi thế kinh doanh, giá trị của nhiều mặt bằng kinh doanh thương mại cũng tăng lên rất nhiều.

Ví dụ như năm 1998, khi thực hiện cổ phần hóa Nhà hàng bánh tôm Hồ Tây (nay là Công ty cổ phần bánh tôm Hồ Tây) thì doanh nghiệp lúc đó chỉ được định giá 850 triệu đồng. Tuy nhiên, những người kinh doanh ở bên ngoài tuyên bố rằng với tài sản đất đai như thế, kể cả mức giá là 10 tỷ đồng họ cũng sẵn sàng mua ngay.

Thứ ba, Nhà nước cổ phần hóa doanh nghiệp nhưng vẫn muốn giữ công ăn việc làm cũng như phúc lợi cho những người lao động trong đơn vị đó. Bởi vậy, ban cổ phần hóa doanh nghiệp hoặc cơ quan có thẩm quyền muốn chia phúc lợi cho người lao động thông qua bán cổ phần ưu đãi nên định giá rẻ…

“Điểm đen” thẩm định giá khi cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước - Ảnh 3

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước chia sẻ rằng, khi cổ phần hóa phức tạp nhất là định giá đất, ông lý giải vấn đề này như thế nào?

Hai nhóm tài sản lớn khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thường là đất đai và tài sản có trên đất. Như trên đã đề cập, doanh nghiệp thuê đất trả tiền hàng năm thì không đưa giá đất vào xác định giá trị doanh nghiệp.

Thứ nhất, đối với các doanh nghiệp trả tiền thuê đất một lần, giá trị mảnh đất sẽ được đưa vào định giá doanh nghiệp. Theo Luật Đất đai 2013, khung giá đất công bố thường thấp hơn so với giá thị trường rất nhiều. Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế tài chính, trong 5 năm trở lại đây, mức giá đất mà Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố công bố chỉ bằng 20% so với giá thị trường.

Bảng giá mà Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố công bố không thể hiện hết được lợi thế về vị trí của mảnh đất, cũng là một yếu tố tạo nên tạo ra sự chênh lệch giá khá lớn. Ví dụ, ở Hà Nội chỉ công bố bảng giá trên từng con đường, tuy nhiên, giá đất ở vị trí ngã 3, ngã 4 khác xa so với mức giá ở trong hẻm… Đây là điểm yếu trong định giá tài sản doanh nghiệp khi mà chỉ dựa vào bảng giá đất của chính quyền cấp tỉnh, thành phố công bố.

Thứ hai, tài sản có trên đất cũng rất phức tạp. Tài sản có rất nhiều loại, nhà cửa, công trình xây dựng hoặc các máy móc, thiết bị, xe cộ hay những thứ có trong khuôn viên. Theo chính sách nhà nước hiện nay thì tài sản cũng chia thành nhiều nhóm để phân tích, tính toán. Thế nhưng, nhiều loại tài sản mà các công ty thẩm định giá cũng đã không đủ dữ liệu, điều kiện xác định giá chính xác, nên họ chỉ tính ở mức giá vừa phải để bán cổ phần dễ dàng hơn…

Bởi vậy, thời gian gần đây, Nhà nước đã có những cách hướng dẫn linh động hơn. Ngoài định giá thì còn đấu giá, đấu thầu,… làm tăng tính cạnh tranh của đợt bán cổ phần ra công chúng, tăng tính thị trường, giúp bán được doanh nghiệp với mức giá sát giá thị trường nhất.

“Điểm đen” thẩm định giá khi cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước - Ảnh 4

Vậy, làm thế nào để xác định giá đất được chính xác, tối ưu hóa giá trị tài sản cho Nhà nước, thưa ông?

Hiện nay, để định giá đất được chính xác thì chỉ có thể dùng phương pháp so sánh, nghĩa là phải khảo sát và có cơ sở dữ liệu rất lớn, cập nhật về thông tin thị trường (ví dụ, để xác định giá đất trên một khu phố thì không thể chỉ thu thập thông tin của vài vụ mua bán mà phải có dữ liệu của hàng trăm, hàng ngàn giao dịch… trong nhiều năm). Từ đó, các chuyên gia mới tính toán ra giá đất trong một thời kỳ. Sau đó, tính trượt theo thời gian để dự báo mức giá trong thời gian tới.

Ở các nước, cơ quan thẩm định giá, hiệp hội thẩm định giá của họ đều thực hiện theo cách này, như vậy mới sát thực tế.

Hiện tại, Việt Nam chúng ta sử dụng dữ liệu cũ của bảng giá thời kỳ trước, sau đó tham khảo thêm một số giao dịch. Tuy nhiên, quy mô dữ liệu không được lớn như ở các nước mà chỉ có một vài vụ mua bán, chuyển nhượng. Vì thế, giá đất mà các bên thẩm định giá điều chỉnh khó mà tiệm cận với giá thị trường.

“Điểm đen” thẩm định giá khi cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước - Ảnh 5

Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Luật Giá sửa đổi, có ý kiến cho rằng các công ty thẩm định giá đang được trao quyền năng quá lớn nhưng chế tài quản lý thì chưa mạnh. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Trong nguyên tắc hành nghề thẩm định giá, tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam ban hành, các chuyên gia của Bộ Tài chính cũng nghiên cứu rất kỹ thông lệ của các nước trên thế giới. Hầu hết quy định pháp luật mà các nước áp dụng với nghề thẩm định giá thì đã được tận dụng, kế thừa…

Hệ thống pháp luật của Việt Nam về thẩm định giá cũng đã tiệm cận với thế giới, có rất ít kẽ hở. Những trường hợp sai phạm vừa rồi là can thiệp thô bạo vào quá trình thẩm định giá và đã bị xử lý hình sự.

Theo quy định của pháp luật, trong thời gian chứng thư có hiệu lực 1 năm, nếu cơ quan quản lý, cơ quan điều tra phát hiện ra chứng thư đó sai thì thẩm định viên phải chịu trách nhiệm, kể cả chịu trách nhiệm hình sự.

Do vậy, tôi cho rằng pháp luật đã có đủ khung, bậc để xử phạt những hành vi sai trái trong thẩm định giá.

“Điểm đen” thẩm định giá khi cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước - Ảnh 6

Các bài viết trên blog được mình sưu tầm, tổng hợp từ nhiều nguồn, nhiều bài viết không tìm lại được tác giả, nếu có bất cứ thắc mắc, khiếu lại về bản quyền bài viết vui lòng liên hệ với mình theo số ĐT: 0929.17.27.86 , mình rất vui được tiếp nhận các thông tin phản hồi từ các bạn

Chi tiết về dịch vụ xin liên hệ:
CÔNG TY TNHH ĐỊNH GIÁ BẾN THÀNH – HÀ NỘI.
Trụ sở chính: Số 236 đường Cao Thắng, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.
Văn phòng: 781/C2 Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.
Mã số thuế: 0314521370.
Điện thoại: 0909399961 - 0929.17.27.86.
Email: [email protected].
Website: https://thamdinh.com.vn

Dịch Vụ của chúng tôi:
Thẩm định giá bất động sản
Thẩm định giá động Sản
Thẩm định giá máy móc thiết bị
Thẩm định dự án đầu tư
Thẩm định giá tri doanh nghiệp
Thẩm Định Giá tài sản vô hình
Thẩm định giá dự toán gói thầu
Thẩm Định Giá Dự toán, dự án xây dựng
Thẩm định giá trang thiết bị y tế
Thẩm định giá Xử lý nợ
Thẩm định giá nhà xưởng
Thẩm định giá đầu tư
Thẩm định giá tài chính định cư
Thẩm định giá tài chính du lịch
Thẩm định giá tài chính du học
Rate this post

Ngọc Tuân

- Tư vấn lĩnh vực thẩm định giá và công chứng - 0909399961

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *