Sau sàng lọc sẽ còn lại cuộc chơi của những doanh nghiệp thẩm định giá chất lượng

Sau sàng lọc sẽ còn lại cuộc chơi của những doanh nghiệp thẩm định giá chất lượng

“Từ năm 2023, những khó khăn, thách thức và cả những khiếm khuyết của hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá (TĐG) thời gian vừa qua chính lại là điều kiện khách quan nhất để thị trường “sàng lọc” giữ lại “cuộc chơi” của những doanh nghiệp TĐG, thẩm định viên về giá hoạt động tuân thủ pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, uy tín, chất lượng, hiệu quả…”, ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam (VVA) chia sẻ với MarketTimes.

“Sau sàng lọc sẽ còn lại cuộc chơi của những doanh nghiệp thẩm định giá chất lượng”
Ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam.

Năm 2022, tốc độ tăng trưởng của dịch vụ thẩm định giá bị chậm lại

MarketTimes: Những khó khăn của nền kinh tế trong năm 2022 đã tác động không nhỏ đến ngành TĐG. Xin Chủ tịch đánh giá tổng quát về hoạt động của ngành TĐG trong năm qua?

Chủ tịch Nguyễn Tiến Thỏa: Sau những khó khăn của hai năm do dịch bệnh Covid-19 gây ra, năm 2022, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi, phát triển, nhưng hoạt động cung ứng dịch vụ TĐG của các doanh nghiệp TĐG tiếp tục gặp khá nhiều khó khăn do nhu cầu TĐG của nền kinh tế giảm sút, đặc biệt là các lĩnh vực đất đai, mua sắm thường xuyên chi từ nguồn ngân sách Nhà nước; đấu thầu thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, vật tư y tế, bất động sản…

Tuy trong tổng số các doanh nghiệp TĐG cả nước tham gia thị trường vẫn có những doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, được khách hàng tín nhiệm vẫn giữ vững được hoạt động và hoạt động có hiệu quả; nhưng đánh giá một cách tổng thể thì tốc độ tăng trưởng về số lượng các thương vụ TĐG, về doanh thu dịch vụ TĐG có chậm lại theo hướng tăng trưởng giảm sút hơn so với các năm trước dịch.

Trong năm 2022 hoạt động thẩm định giá ở một số lĩnh vực của nền kinh tế, của thị trường bị co lại, một số doanh nghiệp hoạt động chỉ mang tính duy trì để tồn tại, một số ít doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, thậm chí có những doanh nghiệp phải giải thể…

Ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam.

Nghiêm trọng hơn cần được cảnh báo là có những doanh nghiệp, những thẩm định viên bị Bộ Tài chính rút giấy phép hành nghề do không đủ điều kiện hành nghề TĐG; có những doanh nghiệp TĐG, thẩm định viên để xảy ra vi phạm pháp luật về TĐG bị khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự gây ra tâm lý lo lắng về tính an toàn, về tính rủi ro nghề nghiệp đặc biệt là trong lĩnh vực TĐG đất, mua sắm tài sản công chi từ ngân sách Nhà nước, vật tư, thiết bị y tế dẫn đến không yên tâm với nghề của các doanh nghiệp, của các thẩm định viên trong cả nước.

MarketTimes: Hoạt động của Hội Thẩm định giá Việt Nam trong năm qua thì như thế nào thưa Chủ tịch?

Chủ tịch Nguyễn Tiến Thỏa: Hoạt động của Hội năm 2022 cũng gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên nhờ chủ động có những biện pháp khắc phục khó khăn, phát huy những thuận lợi, đoàn kết, bám sát phương hướng nhiệm vụ do Nghị quyết Đại hội III đề ra và được cụ thể hóa bằng phương hướng hoạt động đột phá, đổi mới của năm 2022, toàn Hội đã phấn đấu đạt được nhiều kết quả trong triển khai tổ chức hoạt động, đặc biệt là trong 4 lĩnh vực sau:

Hội tiếp tục phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham mưu, tư vấn, phản biện, góp ý xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách về giá và TĐG theo yêu cầu của các cơ quan quản lý Nhà nước; góp phần tạo lập môi trường pháp lý phù hợp hơn với cơ chế kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước cho việc quản lý hoạt động về giá và TĐG. Cụ thể:

Tham gia Tổ Biên tập Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) do Bộ Tài chính chủ trì. Tham gia góp ý với Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung các Tiêu chuẩn TĐG Việt Nam từ Tiêu chuẩn số 01 đến 07 để khắc phục những bất cập, vướng mắc tạo hành lang pháp lý thuận lợi, an toàn cho hoạt động TĐG trong nước; Dự thảo Thông tư ban hành Tiêu chuẩn TĐG về thu thập thông tin và phân tích thông tin về tài sản TĐG; Dự thảo Thông tư ban hành Tiêu chuẩn TĐG khoản nợ tín dụng; Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế hoạt động của Cơ sở dữ liệu Quốc gia về giá; Dự thảo Quyết định thành lập Cụm thi đua các hội, hiệp hội thuộc tuyến thi đua khen thưởng của Bộ Tài chính. Thực hiện công tác tư vấn chuyên môn, chỉ đạo xây dựng các phương án giá tư vấn về nước sạch tại Long An, Tiền Giang, Hà Nội; Giá các dịch vụ xử lý nước thải, rác thải, dịch vụ nghĩa trang tại Bình Dương; Cử chuyên gia tham gia tổ giúp việc của Hội đồng thẩm định Nhà nước về giá đất tại Bắc Ninh

Thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên và tạo sức lan tỏa cho cả ngành nghề TĐG thông qua các giải pháp:

Góp sức cùng cơ quan quản lý Nhà nước về giá và TĐG xây dựng, sửa đổi các quy định của pháp luật về giá như: Luật Giá, các Tiêu chuẩn TĐG Việt Nam… Tổng hợp ý kiến của các hội viên để phản ánh, kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động cung ứng dịch vụ TĐG. Chủ động thực hiện liên kết, hướng dẫn, vận động các hội viên tuân thủ pháp luật về TĐG; Thông tin kịp thời tới các hội viên các nội dung cần tuân thủ pháp luật về TĐG. Trao đổi, tư vấn, hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc về nghiệp vụ cho các doanh nghiệp, các thẩm định viên và các việc cần chấn chỉnh đối với các thương vụ TĐG của một số doanh nghiệp hội viên.

Tích cực tham gia một số doanh nghiệp trong trách nhiệm giải trình với các cơ quan có thẩm quyền về kết quả TĐG tài sản. Thu thập những thiếu sót, sai phạm trong hoạt động cung ứng dịch vụ TĐG truyền tải đến các hội viên để có những giải pháp rút kinh nghiệm, chấn chỉnh hoạt động TĐG của đơn vị mình, ngăn ngừa rủi ro, hoạt động có hiệu quả. Thực hiện thường xuyên việc tuyên truyền, giải thích, bảo vệ những công việc, những hoạt động đúng đắn khách quan phù hợp với quy định pháp luật của hoạt động TĐG trên Tạp chí điện tử Nhịp sống Thị trường, trên Website của Hội và các phương tiện thông tin đại chúng góp phần để các cơ quan pháp luật, để dư luận xã hội hiểu về ngành nghề, chia sẻ sự đồng thuận với hoạt động nghề TĐG.

Thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành TĐG: Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ chủ động, đổi mới công tác chiêu sinh nên công tác đào tạo kiến thức về TĐG của Hội vẫn tiếp tục đạt được các thành công vượt trội và có tính bền vững được Bộ Tài chính ghi nhận, học viên và các tổ chức, đơn vị cử người đi học tín nhiệm, cụ thể:

Năm 2022 Hội đã tổ chức tổng số được 23 khóa (18 khóa học trực tuyến –(online) và 05 khóa học trực tiếp) cho tất cả các loại hình đào tạo. Trong đó: Tổ chức thành công 11 khóa đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành TĐG cho khoảng 523 học viên; Tổ chức 1 khóa học chuyên đề trực tiếp tập trung cho 69 học viên là cán bộ, nhân viên của Sở Nội vụ Tp. Hồ Chí Minh; Tổ chức thành công 11 khóa học cập nhật kiến thức bắt buộc hàng năm theo quy định của pháp luật cho 805 thẩm định viên về giá trong cả nước.

Công tác thông tin, tuyên truyền về cơ chế chính sách, chủ trương quản lý và điều tiết giá, các quy định về thẩm định giá của Nhà nước được Hội chủ động tích cực, thường xuyên triển khai, thực hiện bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng được dư luận đồng tình như: Định hướng điều tiết giá, các giải pháp điều hành giá điện, Biểu giá bán lẻ điện, giá xăng dầu, nước sạch; giá sàn vé máy bay; giá thịt lợn; TĐG máy – thiết bị; Các quy định của pháp luật về thẩm định giá… Tổ chức nâng cấp, cải tiến trang tin điện tử của Hội bằng giải pháp đổi mới cơ cấu chuyên mục, theo hướng kết nối với các hội viên; Tổ chức diễn đàn trao đổi, phổ biến kiến thức TĐG, thư viện pháp luật.

Đặc biệt Tạp chí điện tử “Nhịp sống thị trường”- MarketTimes của Hội đang phát triển mạnh khẳng định vị thế mới của Hội. Tạp chí trở thành cơ quan ngôn luận của Hội Thẩm định giá Việt Nam, đồng thời là “cầu nối” hữu hiệu giữa doanh nghiệp TĐG với cơ quan quản lý Nhà nước. Tạp chí hiện đã được bạn đọc rất quan tâm, đang trở thành một trong những công cụ của Hội giúp Bộ Tài chính trong việc thông tin tuyên truyền về pháp luật, cơ chế, chính sách giá và TĐG của Nhà nước, tham mưu cho Bộ, theo dõi, giám sát, quản lý lĩnh vực TĐG có hiệu quả hơn nữa.

Ngoài những thành công nói trên, các hoạt động khác của Hội cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, cụ thể như: Công tác nghiên cứu khoa học, hội thảo, hợp tác quốc tế về giá, TĐG và các vấn đề kinh tế vĩ mô để tham mưu đề xuất ý kiến với cơ quan quản lý Nhà nước và công tác xây dựng, phát triển Hội…

hoi-tham-dinh-gia-viet-nam-to-chuc-toa-dam-gop-y-cho-luat-gia-sua-doi-..jpg
Hội Thẩm định giá Việt Nam tổ chức tọa đàm góp ý cho Luật Giá (sửa đổi).

Cơ hội để các doanh nghiệp nhìn nhận lại chính mình

MarketTimes: Cũng có ý kiến cho rằng, những khó khăn trong thời gian qua là cơ hội để các doanh nghiệp TĐG nhìn lại mình và có những thay đổi cho phù hợp với giai đoạn mới. Chủ tịch nhận định như thế nào về ý kiến này?

Chủ tịch Nguyễn Tiến Thỏa: Đúng như vậy. Rồi đây, từ năm 2023 những khó khăn, thách thức và cả những khiếm khuyết của hoạt động cung ứng dịch vụ TĐG thời gian vừa qua chính lại là điều kiện khách quan nhất để thị trường “sàng lọc” giữ lại “cuộc chơi” những doanh nghiệp TĐG, thẩm định viên về giá hoạt động tuân thủ pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, uy tín, chất lượng, hiệu quả và loại khỏi “cuộc chơi” những doanh nghiệp, thẩm định viên yếu kém, không đáp ứng được các tiêu chí trên.

Mặt khác, đó cũng chính là cơ hội để không chỉ các doanh nghiệp TĐG đánh giá, nhìn nhận lại hoạt động của chính mình để có các biện pháp tái cấu trúc hoạt động nội bộ đáp ứng đủ các điều kiện hành nghề theo quy định, tổ chức hoạt động tuân thủ đúng pháp luật về TĐG để hoạt động có hiệu quả hơn, mà còn là cơ hội để cơ quan quản lý Nhà nước về TĐG có những giải pháp khắc phục những bất cập về môi trường pháp lý, tổ chức quản lý… nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hoạt động TĐG ngày càng tốt hơn.

MarketTimes: Theo kế hoạch, Luật Giá (sửa đổi) sẽ được Quốc Hội thông qua trong năm 2023 với nhiều thay đổi liên quan đến nghề TĐG. Theo Chủ tịch các doanh nghiệp TĐG, các thẩm định viên về giá cần lưu ý điều gì trước những thay đổi này?

Chủ tịch Nguyễn Tiến Thỏa: Xét tổng thể thì nhiều quy định của Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) về TĐG được “nâng cấp” từ kết quả kế thừa các quy định trong các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Giá hiện hành. Như vậy rõ ràng tính pháp lý của hoạt động TĐG được nâng cao hơn.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng có bổ sung nhiều quy định mới mà các doanh nghiệp TĐG, các thẩm định viên về giá phải đáp ứng nếu muốn được hành nghề TĐG, đặc biệt là các điều kiện hành nghề TĐG. Ví dụ: Đối với doanh nghiệp TĐG cần phải chú ý đến các thay đổi đảm bảo các quy định mới về điều kiện thành lập, điều kiện hành nghề TĐG như: Việc xác định tên gọi của doanh nghiệp; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp; quy định về kiểm soát chất lượng hoạt động TĐG; Số lượng thẩm định viên tối thiểu bắt buộc phải có tại doanh nghiệp và tại chi nhánh doanh nghiệp TĐG… Đối với các thẩm định viên về giá, đó là những quy định về quyền và nghĩa vụ của thẩm định viên; các quy định về nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng, điều kiện hành nghề, trách nhiệm nghề nghiệp…

Nền kinh tế vẫn có những động lực phát triển

MarketTimes: Với tư cách là một chuyên gia kinh tế, Ông có dự báo như thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm tới?

Chủ tịch Nguyễn Tiến Thỏa: Năm 2023, nền kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại và có nguy cơ suy thoái; Lạm phát, rủi ro bất ổn tài chính gia tăng; thương mại toàn cầu giảm mạnh tốc độ tăng so với trước; Chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu – nhất là năng lượng – có nguy cơ gián đoạn… Tình hình trên sẽ có những tác động bất lợi đến kinh tế Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở lớn trên 200% và với khoảng 37% chi phí đầu vào trên tổng chi phí đầu vào của nền kinh tế phải nhập khẩu… được dự báo cũng sẽ gặp những khó khăn làm cho tăng trưởng chậm lại hơn so với năm 2022 do sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng, giá nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh tiếp tục xu hướng tăng; Các thị trường xuất nhập khẩu chính, lớn, truyền thống có thể bị thu hẹp; thu hút vốn đầu tư nước ngoài vẫn ở mức thấp; thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản tiềm ẩn rủi ro…

Tuy có những khó khăn như vậy, nhưng nền kinh tế nước ta được đánh giá vẫn có những động lực phát triển, đó là: Kinh tế vĩ mô ổn định, đầu tư công tăng hơn năm 2022; Chương trình phục hồi kinh tế – xã hội, ba chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục được triển khai ngay từ đầu năm 2023; Nội lực của các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh dần khôi phục tốt; Chi tiêu của các tầng lớp dân cư tiếp tục phục hồi; Hoạt động du lịch dần trở lại như trước dịch…

nguyen-tien-thoa.jpeg

Ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam.

Tôi cho rằng mục tiêu Quốc hội đề ra tăng trưởng GDP năm 2023 tăng 6,5%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,5% là có thể đạt được. Mục tiêu này cũng phù hợp với dự báo của chúng tôi là GDP năm 2023 tăng khoảng từ 6,5%-6,7%, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng từ 4,5%-4,8%.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam.

MarketTimes: Với những thay đổi liên quan đến tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2023, dự báo ngành thẩm định giá sẽ phát triển ra sao trong năm tới thưa Chủ tịch?

Chủ tịch Nguyễn Tiến Thỏa: Hoạt động TĐG năm 2023 có những thuận lợi nhất định mà cốt lõi là nhiều Tiêu chuẩn TĐGVN sẽ được sửa đổi, bổ sung và ban hành theo hướng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập, hạn chế rủi ro cho hoạt động TĐG. Số lượng thẩm định viên về giá sẽ được tăng cường nhiều cho thị trường sau kỳ thi Thẻ thẩm định viên về giá năm 2022 do Bộ Tài chính tổ chức. Đại đa số doanh nghiệp TĐG vẫn giữ được tín nhiệm với khách hàng truyền thống…

Tuy vậy, hoạt động cung ứng dịch vụ TĐG vẫn sẽ gặp khá nhiều khó khăn, do tác động của những khó khăn của nền kinh tế đưa lại bởi: Tăng trưởng chậm, thị trường bất động sản chưa thể hồi phục; các thể chế giải ngân đầu tư công, trong mua sắm thường xuyên, trong đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế vẫn còn có những vướng mắc, khó khăn chờ tháo gỡ…

Vì vậy nhu cầu TĐG trong nền kinh tế vẫn sẽ bị co lại, tốc độ tăng trưởng dịch vụ vẫn ở mức thấp, các doanh nghiệp TĐG nhỏ, nguồn lực hạn chế sẽ gặp khó khăn nhiều hơn.

Các bài viết trên blog được mình sưu tầm, tổng hợp từ nhiều nguồn, nhiều bài viết không tìm lại được tác giả, nếu có bất cứ thắc mắc, khiếu lại về bản quyền bài viết vui lòng liên hệ với mình theo số ĐT: 0929.17.27.86 , mình rất vui được tiếp nhận các thông tin phản hồi từ các bạn

Chi tiết về dịch vụ xin liên hệ:
CÔNG TY TNHH ĐỊNH GIÁ BẾN THÀNH – HÀ NỘI.
Trụ sở chính: Số 236 đường Cao Thắng, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.
Văn phòng: 781/C2 Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.
Mã số thuế: 0314521370.
Điện thoại: 0909399961 - 0929.17.27.86.
Email: [email protected].
Website: https://thamdinh.com.vn

Dịch Vụ của chúng tôi:
Thẩm định giá bất động sản
Thẩm định giá động Sản
Thẩm định giá máy móc thiết bị
Thẩm định dự án đầu tư
Thẩm định giá tri doanh nghiệp
Thẩm Định Giá tài sản vô hình
Thẩm định giá dự toán gói thầu
Thẩm Định Giá Dự toán, dự án xây dựng
Thẩm định giá trang thiết bị y tế
Thẩm định giá Xử lý nợ
Thẩm định giá nhà xưởng
Thẩm định giá đầu tư
Thẩm định giá tài chính định cư
Thẩm định giá tài chính du lịch
Thẩm định giá tài chính du học
Rate this post

Ngọc Tuân

- Tư vấn lĩnh vực thẩm định giá và công chứng - 0909399961

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Zalo
Phone
phone