Thẩm định giá sai liên quan hàng loạt vụ án kinh tế, tham nhũng
Thẩm định giá là khâu quan trọng trong các hoạt động đấu thầu, đấu giá, cổ phần hoá. Nghiên cứu các vụ việc gần đây liên quan đến hoạt động mua sắm các thiết bị y tế, đấu giá quyền sử dụng đất… cho thấy, nhiều trường hợp thẩm định viên và tổ chức thẩm định giá lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để xác định mức giá cao hoặc thấp nhằm nâng khống hoặc dìm giá tài sản tùy theo lợi ích của các cá nhân, đơn vị liên quan. Những kẽ hở của pháp luật đã các chuyên gia cũng như cơ quan chức năng nhiều lần chỉ ra.
Lùm xùm gần đây nhất là câu chuyện liên quan đến việc sản xuất và “thổi giá” kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á bị khởi tố hình sự vì vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng trong việc cung ứng kit xét nghiệm Covid-19 cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan. Theo lời khai ban đầu, Tổng giám đốc Việt Á móc ngoặc với các bên nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45%.
Hay như trước đó hồi tháng 11/2021, cơ quan điều tra khởi tố, tạm giam 8 bị can, trong đó có bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Y dược Vimedimex về tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản liên quan đến đấu giá đất ở Huyện Đông Anh, Hà Nội.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định bà Loan thông đồng với cán bộ của Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh và Công ty Thẩm định giá và đầu tư Hà Nội để can thiệp điều chỉnh giá trên chứng thư thẩm định nhằm biến hoá dìm kết quả thẩm định giá xuống hàng trăm tỷ đồng, từ 500 tỷ đồng xuống 300 tỷ đồng.
Nhiều vụ án khác cũng liên quan đến thẩm định giá, gây thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân như vụ “thổi giá”, nâng khống thiết bị y tế xảy ra ở bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Bạch mai, CDC Hà Nội… Trong các vụ án này đã có nhiều thẩm định viên, công ty thẩm định liên quan bị khởi tố bắt giam.
Liên quan đến các sai phạm này, mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tăng cường hoạt động thẩm định giá của nhà nước.
Trước đó, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã có công văn số 4825 ngày 30/11/2021 gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính, kiến nghị Bộ Tài chính: “chỉ đạo thực hiện kiểm tra, rà soát ngay đối với các doanh nghiệp thẩm định giá để đánh giá lại năng lực, điều kiện kinh doanh hoạt động thẩm định giá. Kịp thời đình chỉ hoạt động đối với các doanh nghiệp không đủ năng lực, điều kiện hoặc có vi phạm trong hoạt động thẩm định giá”.
Có thể thấy, đây là những giải pháp cần thiết của các cơ quan chức năng trong nỗ lực ngăn chặn các hành vi sai phạm trong lĩnh vực thẩm định giá nhằm hạn chế thiệt hại, thất thoát tài sản công trong đấu thầu, đấu giá, cổ phần hoá…
Chế tài … quá nhẹ
Dù các cơ quan chức năng đã có nhiều hành động quyết liệt, kịp thời chấn chỉnh hoạt động thẩm định giá góp phần ngăn chặn các hành vi sai phạm. Tuy nhiên, theo chúng tôi sẽ là chưa đủ nếu những hành vi sai phạm đó chưa bị xử lý bằng một chế tài pháp luật nghiêm minh, thỏa đáng tưng xứng với những hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra cho xã hội.
Theo tìm hiểu của Phóng viên, chế tài đối với những hành vi sai phạm trong thẩm định giá được quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.
Theo đó, thẩm định viên về giá có vi phạm có thể bị phạt đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không thực hiện đúng hướng dẫn tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam về quy trình thẩm định giá, phương pháp thẩm định giá; Không áp dụng đủ các phương pháp thẩm định giá theo quy định của pháp luật về giá.
Nếu thực hiện hành vi: Thông đồng với chủ tài sản, khách hàng, người có liên quan khi thực hiện thẩm định giá nhằm làm sai lệch kết quả thẩm định giá; Làm sai lệch hồ sơ tài sản thẩm định giá hoặc sai lệch thông tin liên quan đến tài sản thẩm định giá dẫn tới sai lệch kết quả thẩm định giá… sẽ bị xử phạt đến 70.000.000 đồng.
Ngoài ra có thể chịu hình thức xử phạt bổ sung là tước Thẻ thẩm định viên về giá có thời hạn cao nhất đến 90 ngày. (Điều 19)
Đối với doanh nghiệp thẩm định giá, sẽ bị phạt tiền đến 30 triệu đồng đối với các hành vi: Thực hiện thẩm định giá mà không có hợp đồng cung cấp dịch vụ thẩm định giá đồng thời cũng không có văn bản yêu cầu thẩm định giá của khách hàng thẩm định giá; Phát hành Chứng thư thẩm định giá hoặc Báo cáo thẩm định giá không có đủ các thông tin cơ bản theo hướng dẫn tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam…
Nếu có hành vi thông đồng với chủ tài sản, khách hàng thẩm định giá, người có liên quan khi thực hiện thẩm định giá làm sai lệch kết quả thẩm định giá sẽ bị phạt tiền đến 220 triệu đồng. Nếu có hành vi làm sai lệch hồ sơ tài sản thẩm định giá hoặc sai lệch thông tin liên quan đến tài sản thẩm định giá, sẽ bị phạt tiền lên đến 260 đồng.
Ngoài ra còn có thể chịu hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá lên đến 60 ngày. Trong trường hợp doanh nghiệp thẩm định giá bị đình chỉ 02 tháng mà không khắc phục được vi phạm thì bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định. (Điều 18).
Có thể thấy dù những sai phạm trong thẩm định giá gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng, gây thiệt hại, thất thoát tài sản Nhà nước hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỉ đồng nhưng chế tài đối với hành vi sai phạm chỉ cao nhất là 260 triệu.
Theo chúng tôi, chế tài như vậy là quá nhẹ, chưa tương xứng với hậu quả mà nó gây ra. Điều này khiến nhiều thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá sẵn sàng chấp nhận bị phạt, thông đồng cấu kết với chủ tài sản, khách hàng thẩm định giá, người có liên quan khi thực hiện thẩm định giá làm sai lệch kết quả thẩm định giá để đổi lại những khoản lợi ích bất hợp pháp lớn hơn nhiều so với tiền phạt.
Thiếu chế tài hình sự về tội danh vi phạm quy định về thẩm định giá
Theo dõi các vụ án kinh tế tham nhũng gần đây liên quan đến hoạt động đấu thầu mua sắm các thiết bị y tế, thiết bị giáo dục, đấu giá quyền sử dụng đất… có nhiều thẩm định viên, công ty thẩm định liên quan bị khởi tố bắt giam.
Điển hình như, trong vụ “thổi giá”, nâng khống thiết bị y tế xảy ra ở bệnh viện Tim Hà Nội, có 3 bị can thuộc Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC bị bắt gồm Trần Phú Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc; Nguyễn Hồng Dũng, Phó Tổng Giám đốc kiêm Kế toán trưởng và Nguyễn Trung Dũng, chuyên viên thẩm định.
Trong vụ vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa và các Công ty liên quan đến 2 gói thầu cung cấp đồ dùng dạy học lớp 1 năm 2020-2021, gây thiệt hại tài sản nhà nước, có 2 bị can Công ty cổ phần Thẩm định giá BTC VALUE là Nguyễn Quốc Việt (thẩm định viên) và Hồ Thị Sáu (Giám đốc khối thẩm định III)…
Điều đáng nói, các bị can chủ yếu bị truy tố với vai trò là đồng phạm về một trong 3 tội danh: vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo chúng tôi, Bộ luật Hình sự hiện nay chưa có chế tài hình sự nào xử lý về tội danh vi phạm quy định về thẩm định giá. Mặc dù, thời gian qua đã có nhiều thẩm định viên vi phạm bị khởi tố hình sự. Tuy nhiên, chủ yếu bị khởi tố với vai trò đồng phạm, giúp sức, dẫn đến hệ quả là thiếu tính răn đe, nhiều đối tượng vì lợi ích cá nhân mà chấp nhận vi phạm.
Điều này từng được chính ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), thừa nhận luật hiện tại không có tội danh hình sự nào về thẩm định giá, những vụ án liên quan đến thẩm định giá thời gian qua cho thấy, các thẩm định viên về giá chỉ bị khởi tố liên quan đến các tội đồng phạm, giúp sức cho sai phạm.
Thay lời kết
Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, nhiều chuyên gia pháp luật đặt vấn đề, những sai phạm trong hoạt động thẩm định giá thường gây thiệt hại rất lớn về kinh tế nhưng nếu chỉ bị xử lý về hành chính mà chưa bị xử lý về trách nhiệm hình sự hoặc chỉ bị xử lý vai trò là đồng phạm về một số tội như vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ… là quá nhẹ không đủ sức răn đe chưa tương xứng với hậu quả nghiêm trọng mà hành vi cho xã hội. Điều đó là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp và những tổ chức, cá nhân hành nghề định giá cố tình lợi dụng kẽ hở của pháp luật để lách luật thực hiện hành vi sai phạm.
Do đó, để ngăn chặn thất thoát tài sản nhà nước từ thẩm định giá. Chúng tôi cho rằng, bên cạnh việc kịp thời chấn chỉnh các hoạt động thẩm định giá như: hoàn thiện quy định pháp luật về thẩm định giá; kiên quyết thu hồi giấy phép hành nghề, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi thông đồng, trục lợi, làm thất thoát tài sản nhà nước… cơ quan chức năng cần tăng nặng chế tài đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực thẩm định giá.
Đặc biệt, những nhà làm luật cần nghiên cứu bổ sung chế tài hình sự về tội danh vi phạm quy định về thẩm định giá, đảm bảo những hành vi sai phạm có thể được xử lý bằng một chế tài pháp luật nghiêm minh, đủ sức răn đe, thỏa đáng, tương xứng với những hậu quả nghiêm trọng mà nó gây ra cho xã hội.