Công tác thẩm định giá là một khâu quan trọng trong quá trình xem xét cho vay cũng như công tác thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng. Để thực hiện kiểm soát chất lượng hoạt động thẩm định giá cần đảm bảo 3 yếu tố, gồm tuân thủ quy định của pháp luật, căn cứ theo yêu cầu thực tiễn và lợi ích của việc kiểm soát chất lượng hoạt động thẩm định giá.
Tham gia hội thảo có ông Nguyễn Văn Tuân – Chủ tịch Hội đồng thành viên CB, ông Đàm Minh Đức – Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc CB, Ban lãnh đạo CB, Ban Lãnh đạo CB.AMC cùng các lãnh đạo khối, phòng, ban hội sở, lãnh đạo các đơn vị kinh doanh CB và đại diện của 6 đơn vị đối tác liên kết là: Công ty cổ phần (CTCP) Thẩm định giá Thế kỷ, CTCP Thẩm định giá Vina Control, CTCP Thẩm định giá Big Việt Nam, CTCP Citics, CTCP Thẩm định giá và Đầu tư tài chính Bưu điện, CTCP Thông tin & Thẩm định giá miền Nam.
Ông Nguyễn Vũ Hùng – Phó Giám đốc Khối QLRR đơn vị chủ trì chuyên môn, điều hành hội thảo. Hội thảo diễn ra với nhiều nội dung, được chia làm 2 phiên.
Phiên 1: Báo cáo công tác thẩm định giá trong 10 tháng năm 2023 của Khối QLRR, báo cáo về mô hình mới trong công tác thẩm định giá của Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản – CB.AMC
Trong bài phát biểu khai mạc, ông Đàm Minh Đức – Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc CB nhấn mạnh, kết quả thẩm định trong thời gian qua đã đạt nhiều yếu tố quan trọng đóng góp vào hoạt động cho vay. Số lượng cho vay giải ngân trong nhiều năm qua đạt con số rất đáng khích lệ, trong đó có sự đóng góp của các công ty thẩm định giá. Tuy nhiên, trong quá trình rà soát và đánh giá lại công tác thẩm định giá cũng như kết quả hoạt động cho vay của CB trong thời gian gần đây, bên cạnh những kết quả nhận được thì còn một số hạn chế mà các bên cần xem xét, điều chỉnh phù hợp.
Trong đó, những mục tiêu quản lý thẩm định giá của CB gồm: chuẩn hóa chính sách và mô hình quản lý thẩm định giá; lựa chọn đối tác thẩm định giá đủ điều kiện, đủ năng lực; hệ thống quản lý tài sản đảm bảo tích hợp rủi ro; cập nhật trao đổi thường xuyên; đánh giá công tác độc lập/đa chiều; tích hợp giải pháp định giá của đối tác.
Để thực hiện mục tiêu định giá hiệu quả hơn, CB sẽ áp dụng mô hình tập trung về một đầu mối, đưa công tác thẩm định giá về Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản CB.AMC (công ty con của CB) phụ trách triển khai trong thời gian tới. Đây là mô hình quản lý chất lượng định giá tập trung, đồng nhất sẽ giảm thời gian kiểm soát sau nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc kiểm soát 2 tay – 4 mắt. Bên cạnh đó, quy trình thẩm định giá thực hiện qua phần mềm sẽ ghi nhận thời gian xử lý thực của hồ sơ, đáp ứng được việc theo dõi và kiểm soát quá trình thẩm định.
Phiên 2: Thảo luận giải pháp hỗ trợ hoạt động của các đơn vị kinh doanh
Theo ông Nguyễn Vũ Hùng, Phó Giám đốc Khối QLRR CB, về chi phí thẩm định giá, CB đã chi trả hàng chục tỷ đồng cho hạng mục này. Riêng trong 10 tháng năm 2023, CB có hơn 2.700 chứng thư thẩm định giá phát sinh. Bên cạnh đó, số lượng lỗi phát sinh liên quan đến chứng thư thẩm định giá và hồ sơ liên quan khá lớn. Với mục tiêu cải thiện từ cả hai phía ngân hàng, đơn vị thẩm định giá để đạt chất lượng thẩm định giá phù hợp, ổn định, hội thảo thảo luận về các giải pháp hỗ trợ trong hoạt động của các đơn vị kinh doanh. Các thành viên tham dự đã tham gia trình bày ý kiến, đưa ra các vấn đề.
Trong phiên thảo luận, tập trung giải quyết 3 vấn đề chính được ông Nguyễn Văn Tuân – Chủ tịch Hội đồng thành viên CB đặt ra, cũng là 3 vấn đề trọng tâm trong công tác thẩm định giá ngân hàng về: xác định yếu tố căn cứ pháp lý của tài sản trong thẩm định giá; tính xác thực, cơ sở dữ liệu của căn cứ thẩm định giá và yếu tố tính khả mại của tài sản được thẩm định giá.
6 đơn vị đối tác liên kết thẩm định giá đã tham gia thảo luận, trình bày phương pháp, và chia sẻ các vấn đề thực tế trong quá trình thẩm định giá.
Hội thảo về công tác thẩm định giá năm 2023 đã khép lại thành công với nhiều vấn đề thực tiễn trong công tác thẩm định giá giữa đơn vị yêu cầu và đơn vị cung cấp dịch vụ được thảo luận, tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng trong thời gian tới. Đây là những yếu tố quan trọng để đảm bảo các hoạt động tín dụng, thu hồi nợ – những hoạt động trọng yếu của ngân hàng nhằm nâng cao chất lượng, tính “khả mại” của tài sản đảm bảo.