Lấy ý kiến về Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý
Quang cảnh hội thảo.

Luật Giá được Quốc hội thông qua từ kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013.

Trong thời gian qua, Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý, điều hành giá theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế.

Đối với một số ít danh mục hàng hoá, dịch vụ nhà nước còn định giá hoặc có cơ chế kiểm soát giá do tính chất quan trọng và phạm vi tác động rộng lớn đến sản xuất kinh doanh hoặc đời sống như giá bán điện cho sinh hoạt, giá xăng dầu, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ giáo dục…

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính cho biết, sau gần 9 năm thực hiện, bối cảnh kinh tế – xã hội đã có những thay đổi, hệ thống pháp luật dân sự kinh tế ngày càng được hoàn thiện hơn, cũng đã có những tác động nhất định đến công tác quản lý điều hành giá; cũng như đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế.

Bộ Tài chính đã tiến hành tổng kết, đánh giá thi hành Luật Giá và xây dựng Dự án Luật Giá (sửa đổi) và đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.

Dự án Luật Giá (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội đánh giá cao và cũng đã nhận được nhiều ý kiến góp ý xác đáng để làm cơ sở cho việc hoàn thiện, chỉnh lý.

Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý giá, một trong các vấn đề đặc biệt được đại biểu Quốc hội, nhân dân cũng như cả các cơ quan quản lý quan tâm là Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước quản lý, gồm định giá, bình ổn giá, kê khai giá.

Đây là vấn đề cốt lõi được Bộ Tài chính chú trọng, tập trung phối hợp cùng các bộ, ngành rà soát, đánh giá kỹ chi tiết. Thực tế hiện nay bên cạnh Luật Giá đã có khoảng 19 luật chuyên ngành cũng có những quy định về giá, đặc biệt là các vấn đề về Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, thẩm quyền, hình thức, phương pháp định giá. Một số trường hợp đã dẫn dến trùng lặp, chồng chéo và gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện.

Tham gia tại hội nghị, các đại diện đến từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ… đã góp ý cụ thể vào những điều khoản chi tiết được đưa ra trong dự thảo.

Hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội hoàn thiện dự án luật, đảm bảo chất lượng trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2023.