Quy định về định giá tài sản, thẩm định giá tài sản tại Điều 104 BLTTDS năm 2015 và kiến nghị hoàn thiện

Quy định về định giá tài sản, thẩm định giá tài sản tại Điều 104 BLTTDS năm 2015 và kiến nghị hoàn thiện
Bài viết tập trung phân tích quy định về định giá tài sản, thẩm định giá tài sản, quy định tại Điều 104 BLTTDS năm 2015 nêu ra một số vướng mắc, bất cập và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện.

Việc định giá tài sản, thẩm định giá tài sản là hoạt động diễn ra khá phổ biến trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự. Đây là hoạt động được thực hiện khi các bên đương sự không có sự thống nhất đối với giá của tài sản tranh chấp và cũng được đánh giá là hoạt động quan trọng, bởi, kết quả của hoạt động này bảo đảm kết quả giải quyết tranh chấp dân sự tương ứng. Do vậy, việc định giá tài sản, thẩm định giá tài sản trong vụ án dân sự cần được quy định một cách hiệu quả, khách quan và tiến bộ. Điều 104 BLTTDS năm 2015 về định giá tài sản, thẩm định giá tài sản được đánh giá là có nhiều tiến bộ hơn so với quy định tại Điều 92 BLTTDSnăm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, quy định tại Điều luật này vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc.

1. Quy định về định giá tài sản, thẩm định giá tài sản

BLTTDS năm 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng, vừa bảo đảm tính kế thừa các quy định tiến bộ của BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) vừa tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp của một số quốc gia tiên tiến trên thế giới, phù hợp với đòi hỏi của xã hội trong tình hình mới. Trong đó, có quy định về định giá tài sản, thẩm định giá tài sản được ghi nhận tại Điều 104 BLTTDS năm 2015.

Nghiên cứu nội dung Điều luật thì thấy, về cơ bản, quy định tại Điều 104 BLTTDS năm 2015 có nhiều nội dung được giữ nguyên so với quy định tại Điều 92 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011). Tuy nhiên, nhà làm luật có sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Điều luật này như sau:

Thứ nhất, về tên gọi của điều luật. Tại Điều 92 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) nhà làm luật chỉ ghi nhận tên gọi điều luật là “Định giá tài sản” thì trong lần sửa đổi, bổ sung năm 2011 tên gọi của Điều luật đã được thay đổi, bổ sung thêm thành “Định giá tài sản, thẩm định giá tài sản” và được giữ nguyên tại Điều 104 BLTTDS năm 2015.

Thứ hai, tại khoản 1 Điều 104 BLTTDS năm 2015 nhà làm luật bổ sung thêm quy định các bên có quyền “cung cấp giá tài sản đang tranh chấp”, ngoài việc quy định “các bên có quyền tự thỏa thuận về việc xác định giá tài sản” như trong quy định tại khoản 1 Điều 92 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011). Đây là sự cụ thể hóa của nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự là quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự[1].

Thứ ba, khoản 3 Điều 104 BLTTDS năm 2015 bổ sung quy định về việc Tòa án được thành lập Hội đồng định giá khi thuộc một trong các trường hợp được ghi nhận tại điều khoản này.

Thứ tư, trong Điều 104 BLTTDS năm 2015, nhà làm luật bổ sung thêm khoản 5 ghi nhận việc định giá lại tài sản được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết quả định giá lần đầu không chính xác hoặc không phù hợp với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm giải quyết vụ án dân sự. Đây là nội dung lần đầu tiên được ghi nhận trong BLTTDS, bảo đảm tính tiến bộ và sự phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn xét xử, bảo đảm việc giải quyết vụ án chính xác, triệt để và khách quan.

Như vậy, có thể thấy quy định về định giá tài sản, thẩm định giá tài sản ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn đòi hỏi của thực tiễn trong việc bảo đảm việc giải quyết các vụ án dân sự được khách quan, toàn diện và chính xác.

Tuy nhiên, nghiên cứu nội dung Điều luật thì thấy nhà làm luật mới chỉ ghi nhận về quyền của các bên đương sự cũng như thẩm quyền của Tòa án trong việc định giá tài sản, thẩm định giá tài sản, việc thành lập Hội đồng định giá… mà chưa đưa ra khái niệm thế nào là định giá tài sản và thế nào là thẩm định giá tài sản. Do vậy, trong thực tế, cả về lý luận và thực tiễn còn những quan điểm khác nhau của các nhà nghiên cứu về nội dung này.

Có quan điểm cho rằng: “Định giá là quá trình, trong đó một doanh nghiệp đặt giá tại mức mà đó họ sẽ bán sản phẩm và dịch vụ của mình và điều này có thể là một phần trong kế hoạch tiếp thị. Trong việc thiết lập giá, doanh nghiệp sẽ tính đến mức giá mà nó có thể thu về được hàng hóa, chi phí sản xuất, thị trường cạnh tranh, điều kiện thị trường, thương hiệu và chất lượng sản phẩm”.[2]

Quan điểm khác lại cho rằng, định giá là việc quy định hay ước tính giá trị cho hàng hóa, dịch vụ để phục vụ các mục đích nhất định trong đời sống kinh tế xã hội.[3]

Khoản 11 Điều 4 Luật Giá năm 2023 quy định: “Định giá là quá trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện xác định giá của hàng hóa, dịch vụ”[4].

Có thể thấy, việc định giá trong BLTTDS năm 2015 về cơ bản được xác định theo khái niệm định giá nêu tại khoản 11 Điều 4 Luật Giá năm 2023.

Về khái niệm thẩm định giá tài sản, tác giả đồng tình với quan điểm cho rằng, thẩm định giá tài sản là hoạt động do cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá tiến hành xác định giá trị bằng tiền của tài sản được quy định trong BLDS, phù hợp với giá trị thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định dựa theo tiêu chuẩn thẩm định giá để phục vụ cho mục đích nhất định.[5]

2. Một số tồn tại, hạn chế

2.1. Về mặt kỹ thuật lập pháp

Có thế thấy, xét một cách tổng thể thì BLTTDS năm 2015 được đánh giá là hoàn thiện và có nhiều tiến bộ về mặt kỹ thuật lập pháp, giúp cho việc hiểu và áp dụng các quy định của pháp luật được thuận lợi, thống nhất hơn, nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật[6]. Tuy nhiên, thực quá trình áp dụng vẫn còn bộc lộ một số hạn chế cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện trong lần pháp điển hóa tiếp theo.  Và quy định tại Điều 104 BLTTDS năm 2015 là một dẫn chứng.

Thứ nhất, tại khoản 1 Điều 104 nhà làm luật bổ sung thêm nội dung các bên có quyền “cung cấp giá tài sản đang tranh chấp”, và giữ nguyên quy định “đương sự có quyền thỏa thuận về giá tài sản đang tranh chấp” quy định trong BLTTDS trước đây. Theo đó, điều khoản ghi nhận đương sự có quyền thỏa thuận với nhau về giá của tài sản đang tranh chấp, đây là một trong những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự. Tuy nhiên, xét về mặt kỹ thuật lập pháp thì quy định này chưa thực sự đầy đủ và chính xác. Bởi lẽ, theo quy định tại khoản Điều 5 BLTTDS năm 2015 ghi nhận nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận, tự do ý chí của các bên như sau: “Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thoả thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.”

Như vậy, việc thỏa thuận của các bên đương sự chỉ được pháp luật công nhận và bảo vệ khi sự thỏa thuận đó là tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 104 ghi nhận sự thỏa thuận về giá tài sản đang tranh chấp của các bên đương sự nhưng không ghi nhận điều kiện kèm theo khiến cho thực tế tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau. Theo đó, có quan điểm cho rằng, vì điều luật chỉ ghi nhận các bên được quyền tự do thỏa thuận về giá của tài sản đang tranh chấp, do vậy, khi các bên thống nhất được với nhau thì thỏa thuận đó mặc nhiên được công nhận mà không cần xem xét thỏa thuận đó có trái đạo đức xã hội hay không? (ví dụ: Thỏa thuận đó làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba).

Tác giả cho rằng, trong thực tiễn xét xử, về nguyên tắc chung Tòa án khi xem xét thỏa thuận của các đương sự về giá của tài sản tranh chấp sẽ phải xem xét, đánh giá xem nội dung thỏa thuận đó có là tự nguyện không? Có vi phạm điều cấm của luật hay có trái đạo đức xã hội hay không để đưa ra quyết định chấp nhận hay bác bỏ thỏa thuận đó. Tuy nhiên, rõ ràng với cách ghi nhận tại khoản 1 Điều 104 BLTTDS năm 2015 về quyền thỏa thuận của các bên là chưa đầy đủ, chính xác, chưa bảo đảm yêu cầu trong kỹ luật lập pháp khiến cho nội dung Điều luật thiếu tính nhất quán với các quy định khác của BLTTDS năm 2015 và chưa thực sự phát huy được tính hiệu lực, hiệu quả như nhà làm luật mong muốn.

Thứ hai, về các trường hợp Tòa án ra quyết định định giá tài sản

Khoản 3 Điều 104 BLTTDS năm 2015 quy định:

“Tòa án ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự;

b) Các đương sự không thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản hoặc đưa ra giá tài sản khác nhau hoặc không thỏa thuận được giá tài sản….”

Nghiên cứu nội dung quy định tại điểm c khoản 3 Điều 104 BLTTDS năm 2015 thì thấy quy định có sự chồng chéo, chưa bảo đảm kỹ thuật lập pháp.

Cụ thể, nội dung điều khoản này ghi nhận 03 trường hợp Tòa án sẽ ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá tài sản gồm: (i) các đương sự không thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản; (ii) đưa ra giá tài sản khác nhau; (iii) không thỏa thuận được giá tài sản.

Tuy nhiên, có thể thấy trường hợp (i) và (ii) có khác nhau về câu chữ còn nội hàm thì tương tự nhau, hay nói cách khác, việc các đương sự đưa ra giá tài sản khác nhau cũng giống như việc các đương sự không thỏa thuận được giá tài sản. Do vậy, việc tách thành 02 trường hợp như vậy là không chính xác, gây ra sự chồng chéo, thiếu logic trong quy định của điều khoản.

2.2. Về sự tham gia của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản định giá

Khoản 4 Điều 104 BLTTDS năm 2015 quy định về trình tự, thủ tục thành lập Hội đồng định giá, định giá tài sản, trong đó ghi nhận: “…Trong trường hợp cần thiết, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản định giá được mời chứng kiến việc định giá…”

Như vậy, trong trường hợp cần thiết thì Tòa án mời đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản định giá tham gia phiên định giá với tư cách là người “chứng kiến việc định giá”. Quy định này là phù hợp và cần thiết, bởi lẽ, chính quyền địa phương là chủ thể có nhiều thông tin liên quan đến tài sản định giá và điều này giúp ích cho Hội đồng định giá trong việc định giá tài sản tranh chấp bảo đảm tính chính xác, hiệu quả.

Tuy nhiên, quy định của điều luật còn khá chung chung khiến cho việc áp dụng trong thực tế mang tính tùy nghi, thiếu sự thống nhất. Cụ thể, điều luật quy định “trong trường hợp cần thiết” nhưng lại không xác định cụ thể trường hợp nào được xác định là cần thiết, dẫn đến việc có những trường hợp có tính chất tương tự nhưng có Tòa án thì mời đại diện Ủy ban nhân dân xã nơi có tài sản định giá tham gia chứng kiến, có Tòa án thì cho rằng không cần thiết nên đã không mời.

Đồng thời, việc “mời” này được thực hiện thông qua cách thức nào cũng chưa được quy định cụ thể, mời bằng giấy mời hay thông báo hay một dạng văn bản nào khác… dẫn đến việc áp dụng thiếu thống nhất trong thực tiễn giữa các Tòa án.

Một vấn đề quan trọng nữa là, điều luật chỉ quy định việc mời đại diện Ủy ban nhân dân xã chứng kiến việc định giá chứ không quy định đối tượng cụ thể là ai. Do vậy, cá nhân tham gia chứng kiến việc định giá là thuộc thẩm quyền “cử” của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, và dẫn đến việc tùy nghi, thiếu thống nhất trong việc cử người tham gia, khiến cho việc tham gia này mang nặng tính hình thức. Ví dụ: Cùng có đối tượng định giá là đất ở, nhưng có Ủy ban nhân dân cấp xã cử cán bộ địa chính xã tham gia, có Ủy ban nhân dân cấp xã lại cử cán bộ phụ trách văn hóa tham gia. Việc cử này khó bảo đảm được hiệu quả, hơn nữa, với cách ghi nhận vai trò tham gia của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản định giá chỉ là người chứng kiến mà chưa quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của họ khi tham gia khiến việc tham gia này thường mang tính chiếu lệ, cho có, chứ không bảo đảm thực chất, hiệu quả.

2.3. Về việc thông báo trước cho đương sự

Điểm a khoản 4 Điều 104 BLTTDS năm 2015 quy định: “Các đương sự được thông báo trước về thời gian, địa điểm tiến hành định giá, có quyền tham dự và phát biểu ý kiến về việc định giá…”

Như vậy, theo quy định tại điều khoản này thì các đương sự sẽ được thông báo trước về thời gian, địa điểm tiến hành định giá. Đây là quy định tiến bộ và hợp lý, bảo đảm việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Bởi lẽ, các đương sự có quyền tham sự buổi định giá, có quyền phát biểu về việc định giá để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình. Ý kiến của đương sự được ghi vào biên bản định giá được xác định là nguồn của chứng cứ. Tuy nhiên, điều luật chỉ quy định “các đương sự được thông báo trước về thời gian tiến hành định giá” nhưng không có quy định cụ thể thời gian thông báo trước là bao lâu? Điều này dẫn đến nhiều trường hợp gây khó khăn cho đương sự, khiến họ không tham dự được buổi định giá, không được quyền phát biểu ý kiến về việc định giá, dẫn đến không đồng ý kết quả định giá và khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Ví dụ: Nguyễn Văn A và Nguyễn Văn B có tranh chấp đối với mảnh đất ở xã C. Tòa án tiến hành định thành lập Hội đồng định giá đối với mảnh đất này vào ngày 20/6, nhưng đến trưa ngày 19/6 mới phát hành thông báo về thời gian, địa điểm tiến hành định giá cho B. Lúc này, B đang đi làm ăn xa, không có mặt tại địa phương, khi nhận được thông báo thì không về kịp để tham gia buổi định giá.

Như vậy, rõ ràng là việc quy định chưa cụ thể về thời hạn gửi thông báo cho đương sự về việc định giá dẫn đến thực tiễn áp dụng thiếu thống nhất, một số trường hợp lợi dụng quy định này cố tình gây khó khăn cho đương sự, khiến vụ án dân sự bị khéo dài thời gian giải quyết, gây bức xúc cho người dân, gây mất niềm tin vào cơ quan tiến hành tố tụng, niềm tin vào công lý.

2.4. Về việc định giá lại tài sản

Khoản 5 Điều 104 BLTTDS năm 2015 quy định: “Việc định giá lại tài sản được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết quả định giá lần đầu không chính xác hoặc không phù hợp với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm giải quyết vụ án dân sự”.

Đây là nội dung được ghi nhận trong BLTTDS năm 2015 nhằm đảm bảo việc định giá tài sản được khách quan, chính xác, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của các bên khi có căn chứ cho thấy kết quả định giá lần đầu không chính xác hoặc không phù hợp với giá thị trường nới có tài sản định giá tại thời điểm giải quyết vụ án kinh doanh, thương mại. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định này cũng còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cụ thể:

Căn cứ vào đâu để xác định kết quả định giá lần đầu không chính xác? Chủ thể nào có thẩm quyền cho định giá lại tài sản và căn cứ nào để quyết định việc định giá lại?

Có thể thấy, quy định này được đặt ra là hoàn toàn cần thiết, nhưng do việc quy định chưa cụ thể, rõ ràng khiến cho việc áp dụng trong thực tế gặp nhiều khó khăn. Và đây có thể là nội dung mà một trong các bên đương sự cố tình lợi dụng để kéo dài thời gian giải quyết vụ án, gây khó khăn cho bên đương sự còn lại.

3. Một số kiến nghị hoàn thiện

Quy định về định giá tài sản, thẩm định giá tài sản là quy định hết sức quan trọng, bởi lẽ, thực tiễn giải quyết các vụ dân sự, các Thẩm phán thường phải tiếp nhận giải quyết yêu cầu này của các bên đương sự trong quan hệ tranh chấp. Đây cũng là khâu quan trọng giúp việc giải quyết vụ án được chính xác, khách quan, toàn diện để các bên nhanh chóng ổn định sản xuất, ổn định cuộc sống của mình. Do vậy, việc tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện các quy định luật về nội dung này là yêu cầu tất yếu, khách quan. Tác giả đưa ra một số đề xuất, kiến nghị sau đây:

Một là, đối với nội dung Điều 104 BLTTDS năm 2015, tác giả kiến nghị như sau:

Sửa đổi khoản 1 là: “1. Đương sự có quyền cung cấp giá tài sản đang tranh chấp; thỏa thuận về giá tài sản đang tranh chấp. Việc thỏa thuận của đương sự bảo đảm quy định tại khoản 2 Điều 5 Bộ luật này.”

Về nội dung điểm b khoản 3 Điều 104, tác giả kiến nghị bỏ nội dung “không thỏa thuận được giá tài sản” và nội dung điều khoản này sau khi được sửa đổi lại như sau: “Các đương sự không thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản hoặc đưa ra giá tài sản khác nhau”.

Hai là, về sự tham gia của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản định giá,  cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc thi hành quy định này tại điểm a khoản 4 Điều 104 BLTTDS năm 2015. Văn bản hướng dẫn cần xác định cụ thể trường hợp nào là cần thiết phải mời đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản định giá, hướng dẫn cụ thể việc mời đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã tham dự được thực hiện bằng hình thức cụ thể nào? Là thông báo hay giấy mời hay một hình thức nào khác. Đồng thời, cũng cần có ghi nhận cụ thể về phạm vi trách nhiệm của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã khi tham gia chứng kiến việc định giá. Từ đó, bảo đảm việc áp dụng pháp luật được thống nhất và hiệu quả trong thực tiễn, tránh việc tùy nghi.

Ba là, về việc thông báo trước cho đương sự

Như phân tích ở trên, đây là quy định rất quan trọng, bảo đảm việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự được thực hiện một cách tốt nhất. Tuy nhiên, do quy định tại điểm 1 khoản 4 Điều 104 BLTTDS năm 2015 còn quá chung chung, dẫn đến thực tiễn áp dụng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tác giả kiến nghị, Hội đồng Thẩm phán TANDTC trên cơ sở tổng kết thi hành quy định tại Điều 104 BLTTDS năm 2015 cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn về nội dung này. Theo đó, hướng dẫn cần xác định cụ thể thời gian thông báo trước cho đương sự; tác giả kiến nghị thời gian này là 05 ngày làm việc trước khi tiến hành định giá tài sản tranh chấp.

Bốn là, về việc định giá lại

Tác giả kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể quy định tại khoản 5 Điều 104 BLTTDS năm 2015. Theo đó, nội dung hướng dẫn cần xác định rõ:  Căn cứ để xác định kết quả định giá lần đầu không chính xác và chủ thể nào có thẩm quyền cho định giá lại tài sản.

Kết luận

Quy định về định giá và thẩm định giá được ghi nhận tại Điều 104 BLTTDS năm 2015 nằm trong Chương VII về chứng minh và chứng cứ. Theo đó, trong một số vụ án dân sự, khi giải quyết tranh chấp thì đòi hỏi phải tiến hành việc định giá và thẩm định giá. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản là một nguồn của chứng cứ[7]. Có thể thấy, quy định này có ý nghĩa khá quan trọng trong việc giải quyết các vụ án dân sự. Tuy nhiên, nghiên cứu nội dung Điều 104 BLTTDS năm 2015 cho thấy vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Với việc phân tích, chỉ ra một số hạn chế, bất cập đó, tác giả đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật về nội dung này.


[1] Xem Điều 5 BLTTDS năm 2015.

[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%8Bnh_gi%C3%A1, truy cập ngày 20/6/2023.

[3] Nguyễn Thị Hanh, Định giá tài sản và thẩm định giá tài sản, Luận văn cao học, trường Đại học Luật Hà Nội, 2016, tr.2.

[4] Luật Giá năm 2023 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.

[5] Nguyễn Thị Hanh, Tlđd, tr.6.

[6] Xem Điều 1 BLTTDS năm 2015.

[7] Khoản 7 Điều 94 BLTTDS năm 2015.

VŨ THỊ HÀ (Thẩm phán TAND  Tp Hải Dương, tỉnh Hải Dương)

Nguồn: https://tapchitoaan.vn/quy-dinh-ve-dinh-gia-tai-san-tham-dinh-gia-tai-san-tai-dieu-104-blttds-nam-2015-va-kien-nghi-hoan-thien9031.html

Các bài viết trên blog được mình sưu tầm, tổng hợp từ nhiều nguồn, nhiều bài viết không tìm lại được tác giả, nếu có bất cứ thắc mắc, khiếu lại về bản quyền bài viết vui lòng liên hệ với mình theo số ĐT: 0929.17.27.86 , mình rất vui được tiếp nhận các thông tin phản hồi từ các bạn

Chi tiết về dịch vụ xin liên hệ:
CÔNG TY TNHH ĐỊNH GIÁ BẾN THÀNH – HÀ NỘI.
Trụ sở chính: Số 236 đường Cao Thắng, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.
Văn phòng: 781/C2 Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.
Mã số thuế: 0314521370.
Điện thoại: 0909399961 - 0929.17.27.86.
Email: [email protected].
Website: https://thamdinh.com.vn

Dịch Vụ của chúng tôi:
Thẩm định giá bất động sản
Thẩm định giá động Sản
Thẩm định giá máy móc thiết bị
Thẩm định dự án đầu tư
Thẩm định giá tri doanh nghiệp
Thẩm Định Giá tài sản vô hình
Thẩm định giá dự toán gói thầu
Thẩm Định Giá Dự toán, dự án xây dựng
Thẩm định giá trang thiết bị y tế
Thẩm định giá Xử lý nợ
Thẩm định giá nhà xưởng
Thẩm định giá đầu tư
Thẩm định giá tài chính định cư
Thẩm định giá tài chính du lịch
Thẩm định giá tài chính du học
Rate this post

Ngọc Tuân

- Tư vấn lĩnh vực thẩm định giá và công chứng - 0909399961
Zalo
Phone
phone