Chiều 11/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giá (sửa đổi). Đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Giá và các luật chuyên ngành khác có quy định về giá; đảm bảo việc quản lý chặt chẽ, hiệu quả; vừa đảm bảo cơ sở pháp lý trong lĩnh vực giá để vận hành thông suốt nền kinh tế.

Phân cấp, phân quyền phải luôn phải đi với việc nâng cao năng lực để thực hiện

Tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giá, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP.Đà Nẵng) quan tâm đến hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá. Đại biểu khẳng định phân cấp phân quyền là chủ trương đúng, nguyên tắc cần áp dụng trong quá trình thực hiện là cấp trên chỉ làm những việc cấp dưới không làm được tốt hơn. Dự thảo luật giảm bớt thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Tài chính, trong việc định giá, rà soát biểu mẫu kê khai giá đối với doanh nghiệp Trung ương.

 Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP.Đà Nẵng) phát biểu tại hội trường chiều 11/11. Ảnh: QH

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhấn mạnh, phân cấp, phân quyền phải luôn phải đi với việc nâng cao năng lực để thực hiện, nếu “xuống nước trước, tập bơi sau” là việc làm nguy hiểm. Mặt khác, đại biểu lo ngại, để các bộ và cơ quan ngang bộ định giá hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc liệu có rơi vào lợi ích nhóm như trường hợp Bộ kit test Việt Á? Đại biểu lý giải nguyên nhân tham nhũng nhiều khi nằm ngay trong những quy định bất hợp lý của pháp luật. Những thách thức qua phân cấp, phân quyền đặt ra trong dự thảo luật này là rất lớn, Quốc hội cân nhắc thận trọng.

Cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc định giá, rà soát biểu mẫu kê khai giá của các doanh nghiệp ở trung ương.

Đối với sách giáo khoa, dự thảo luật chỉ quy định giá tối đa, không quy định giá tối thiểu dẫn đến nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh. Để không ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa mà Nghị quyết 88 của Quốc hội và Luật Giáo dục đã quy định; đồng thời chống độc quyền trong lĩnh vực này, đại biểu đề nghị quy định khung giá bao gồm giá tối đa, giá tối thiểu. Quy định này nhất quán với quy định tại khoản 2, Điều 8 dự thảo luật về quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, quyết định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất kinh doanh mà nhà nước quy định khung giá tối đa, giá tối thiểu…

Hoàn thiện pháp luật làm cơ sở xác định giá và bảo vệ người thẩm định giá

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP.Hà Nội) cho biết, thực tế nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện thì đều liên quan đến việc xác định giá không đúng với giá hàng hóa khi mua hoặc khi bán tài sản công. Hiện nay, các tổ chức tư vấn định giá rất ngại, thậm chí là không dám nhận nhiệm vụ định giá các tài sản cho khu vực công khi mua hoặc khi bán.

Theo đại biểu Cường, hiện nay, nhiều cơ quan, nhiều đơn vị công hiện không mua sắm được các tài sản, vật tư hàng hóa. Điển hình như là bệnh viện không mua được thuốc chữa bệnh và vật tư y tế. Nhiều tài sản công không thể chuyển giao cho khu vực tư như các dự án bất động sản không thể xác định giá đất để cho các nhà đầu tư đầu tư phát triển.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng nguyên nhân căn bản của tình trạng trên là do chưa có những quy định một cách chặt chẽ, cụ thể những các căn cứ, phương pháp để xác định giá cả hàng hóa; chưa có các quy định làm căn cứ cho cơ quan định giá, quyết định giá bảo đảm không có tư lợi. Đại biểu chỉ rõ pháp luật hiện hành không có công cụ định giá cũng như bảo vệ cho những người làm định giá.

Do đó, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh yêu cầu đầu tiên của việc hoàn thiện Luật Giá lần này là phải “lấp khoảng trống” về các căn cứ pháp luật để làm cơ sở cho việc xác định giá, phương pháp đánh giá những căn cứ định giá, những nguyên tắc định giá… Dự thảo Luật cần phải có một chương riêng về phương pháp, căn cứ, nguyên tắc định giá.

Ngoài ra, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, để xác định giá cả đúng cũng như có cơ sở để quản lý giá thì phải có cơ sở dữ liệu đầu vào. Do vậy, việc kê khai giá là một công việc vô cùng quan trọng.

Đại biểu đề nghị hoạt động kê khai giá không nên giới hạn ở một số các loại hàng hóa như quy định hiện hành mà phải quy định tất cả các loại hàng hóa khi bắt đầu đưa vào lưu thông trên thị trường đều phải thực hiện kê khai giá. Đồng thời hai đối tượng phải thực hiện kê khai giá là những doanh nghiệp sản xuất lần đầu tiên đưa sản phẩm vào thị trường và những các doanh nghiệp nhập khẩu khi lần đầu tiên nhập khẩu hàng hóa đưa vào thị trường tiêu thụ.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP.Hà Nội) phát biểu tại hội trường chiều 11/11. Ảnh: QH

Siết chặt các điều kiện hành nghề thẩm định giá

Cũng góp ý vào nội dung trên, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) nêu rõ: thẩm định giá phải đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật. Kết quả thẩm định giá phải đảm bảo đáp ứng với từng loại hình doanh nghiệp.

Về chính sách thẩm định giá, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho biết, thời gian gần đây, sau hàng loạt các sai phạm có liên quan đến hoạt động thẩm định giá, có thể nhận thấy thị trường thẩm định giá đã và đang phát triển nóng về số lượng nhưng chưa đảm bảo chất lượng. Có không ít doanh nghiệp thẩm định giá cũng như thẩm định viên về giá thiếu kinh nghiệm hoặc vi phạm đạo đức nghề nghiệp vì lợi ích trước mắt mà gian dối, câu kết với khách hàng, làm sai lệch hồ sơ để thổi giá cao hoặc hạ thấp giá trị một cách bất thường. Vì vậy, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh ủng hộ việc siết chặt các điều kiện hành nghề thẩm định giá theo dự thảo Luật Giá.

Xem xét lại quy định đăng ký hành nghề thẩm định giá, tăng số lượng thẩm định viên giá

Đề cập về đăng ký hành nghề thẩm định giá, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại việc quy định tăng thêm về số lượng thẩm định viên để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và dịch vụ thẩm định giá đối với doanh nghiệp là 5 người có thể thẩm định viên và chi nhánh là 3 người. Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định này nhằm đảm bảo cho các doanh nghiệp thẩm định giá và các chi nhánh của doanh nghiệp thuận lợi hơn trong tổ chức bộ máy, hạn chế được việc thiếu thẩm định viên đăng ký hành nghề trong tình hình hiện nay.

Đối với nội dung thẩm định giá và doanh nghiệp thẩm định giá, dự thảo luật có một nội dung rất cơ bản là thẩm định viên về giá được chuyên môn hóa gồm: thẩm định giá về tài sản, thẩm định giá về doanh nghiệp nhà nước góp phần nâng cao chất lượng thẩm định viên theo lĩnh vực chuyên sâu. Tuy nhiên, đại biểu Khương Thị Mai (đoàn Nam Định) đề nghị xem xét quy định tăng số lượng thẩm định viên giá để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.

Về đạo đức nghề nghiệp của người thẩm định giá, tại Điều 47 của dự thảo luật quy định về đăng ký hành nghề thẩm định giá. Theo đó, đại biểu cho rằng, yêu cầu phải có thời gian thực tế làm việc tại doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá từ 36 tháng trở lên sẽ hạn chế sự phát triển của nguồn nhân lực thẩm định giá.

Đại biểu Khương Thị Mai nêu quan điểm, muốn nâng cao chất lượng dịch vụ thì người hành nghề cần vượt qua kỳ thi về kiến thức chuyên môn theo quy định, chứ không nên quy định yêu cầu ràng buộc phải có thời gian thực tế làm việc tại doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá… Đại biểu đề nghị luật nên hướng tới quy định nội dung nâng cao chất lượng kỳ thi, thẩm định viên về giá để đánh giá đúng người có chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp thay vì hạn chế người được tham gia.

Đề nghị áp dụng cách tính đặc thù đối với lĩnh vực y tế

Góp ý vào nội dung dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) đề nghị áp dụng cách tính đặc thù đối với lĩnh vực y tế, không thể áp dụng cách tính như giá thông thường. Bởi dịch vụ y tế không lợi nhuận và không thể điều hòa, kiểm soát cung cầu hàng hóa thông thường và không thể kiểm soát được theo hàng hóa thông thường.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung phân tích thêm, đối với dịch vụ y tế cũng không thể từ chối bán hàng trong mọi trường hợp. Hơn nữa, dịch vụ y tế rất khó xác định giá trị của thương hiệu, vì các yếu tố hình thành giá có thể bệnh viện hạng 3 có thương hiệu hơn bệnh viện hạng 1 và thương hiệu của bác sỹ hơn Tiến sỹ, nếu xét về mặt chuyên môn.

Đại biểu đề nghị cần quy định rất rõ ràng cách tính giữa dịch vụ y tế công và dịch vụ y tế tư nhân, trong đó Bộ Y tế sẽ tính các gói dịch vụ y tế cơ bản và gói dịch vụ y tế nâng cao.

Đối với dịch vụ y tế cơ bản, Nhà nước đặt hàng, còn các dịch vụ y tế nâng cao tính giá trị ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tính giá trị thương hiệu vô hình, khi đó người dân có thể chọn dịch vụ này. Từ những phân tích ở trên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chính sách áp dụng cách tính đặc thù trong lĩnh vực y tế./.

Đỗ Thoa