Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát việc tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án

Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát việc tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án
Thẩm định giá, bán đấu giá là những quy trình không thể thiếu trong công tác thi hành án dân sự (THADS) đối với những vụ việc tổ chức THADS phải xử lý tài sản để thi hành án (THA).
I. Khái quát chung về thẩm định giá, bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự

Thẩm định giá, bán đấu giá là những quy trình không thể thiếu trong công tác thi hành án dân sự (THADS) đối với những vụ việc tổ chức THADS phải xử lý tài sản để thi hành án (THA). Việc Thẩm định giá, bán đấu giá tài sản THA lại do các tổ chức có thẩm quyền về hoạt động thẩm định giá, bán đấu giá mới có chức năng thực hiện, Cơ quan THADS phải ký kết Hợp đồng để thực hiện quy trình nghiệp vụ này trong quá trình xử lý tài sản để tổ chức THADS.

Thẩm định giá tài sản là quy trình phát sinh sau khi cưỡng chế kê biên tài sản để thi hành án hoặc đương sự tự nguyện giao tài sản để THA mà các đương sự không tự thỏa thuận giá được. Việc định giá tài sản này nhằm xác định giá khởi điểm để bán đấu giá, thi hành nghĩa vụ trả tiền của người phải thi hành án. Là một hoạt động gắn liền với biện pháp cưỡng chế thi hành án nên hoạt động này đã có những quy định cụ thể, rõ ràng, tạo cơ sở pháp lý cho Cơ quan thi hành án dân sự và Chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ đúng pháp luật, đảm bảo cho hiệu lực của Bản án, Quyết định dân sự của Tòa án đã tuyên được thi hành trên thực tế đạt hiệu quả.
Bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự là giai đoạn cuối cùng và quan trọng trong quá trình xử lý tài sản của người phải thi hành án nhằm bảo đảm cho việc xử lý tài sản được công khai, minh bạch, khách quan, giảm thiểu các tiêu cực trong việc xử lý tài sản, góp phần vào việc tổ chức thi hành án được giải quyết dứt điểm, kịp thời một số lượng án tồn đọng của cơ quan thi hành án dân sự.

Hiện nay, số lượng việc thi hành án dân sự ký hợp đồng thẩm định giá, bán đấu giá tài sản với các trung tâm, tổ chức chiểm tỷ lệ cao trong tổng số việc phải thi hành án của cơ quan thi hành án. Thời  gian gần đây, có nhiều trường hợp vi phạm trong quá trình thẩm định giá, bán đấu giá, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, dẫn đến đương sự có đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Vì vậy, hoạt động kiểm sát việc tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự của Viện kiểm sát có vị trí, vai trò rất quan trọng trong khâu công tác kiểm sát THADS, thi hành án hành chính. Thực hiện tốt chức năng kiểm sát THADS-HC là phải kiểm sát tốt được việc tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá trong thi hành án dân sự, kịp thời phát hiện những vi phạm trong công tác tổ chức thi hành án tránh gây thiệt hại cho đương sự, góp phần đáng kể trong việc hạn chế các trường hợp đơn thư khiếu nại, tố cáo bức xúc, kéo dài.
Để nâng cao kỹ năng của cán bộ, Kiểm sát viên trong hoạt động kiểm sát việc tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá trong thi hành án dân sự, tác giả xây dựng chuyên đề: Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát việc tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án”Chuyên đề này nghiên cứu từ thực tiễn thông qua hoạt động chuyên môn của Phòng 11 trong nhiều năm qua để bạn độc cùng tham khảo, góp ý và cùng vận dụng trong quá trình kiểm sát để khâu công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính đạt chất lượng cao hơn.

II. Thực trạng công tác kiểm sát việc tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án

1. Những vi phạm trong việc tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án
Qua công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án thông qua việc kiểm sát hồ sơ thi hành án và qua công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động THADS, nhận thấy việc tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự còn có nhiều vi phạm như sau:
Việc bán đấu giá tài sản thi hành án trái với mục đích thẩm định giá tài sản được thể hiện tại Chứng thư thẩm định giá. Vi phạm khoản 15 Điều 4, khoản 2 Điều 32 Luật giá số 11/2012/QH13 ngày 20/6/2012.Điển hình:
Quyết định thi hành án số 03/QĐ-CCTHA ngày 01/10/2014 cho THA đối với ông Phạm Phú Anh-Chủ XNTD Phạm Phú. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, bà Hoàng Thị Giang (vợ ông Phạm Phú Anh), phải trả nợ cho Ngân hàng ĐT& PTVN thông qua Chi nhánh Ngân hàng ĐT&PT Gia Lai số tiền 962.606.945 đồng và lãi chậm trả.
Ngày 11/11/2014, Chấp hành viên tiến hành kê biên xử lý tài sản là quyền sử đất và tài sản gắn liền trên đất của ông Phạm Phú Anh theo Giấy CNQSDĐ số 60301050317 tại Tổ dân phố 4 phường Hội Thương để THA, sau khi kê biên đã ký Hợp đồng thẩm định giá tài sản với Công ty TNHH thẩm định giá Chuẩn Việt  có ghi mục đích thẩm định giá là “Phục vụ mục đích thi hành án”. Tuy nhiên tại Chứng thư thẩm định giá của Công ty TNHH thẩm định giá Chuẩn Việt thể hiện nội dung mục đích thẩm định giá là “Thẩm định giá trị bất động sản làm cơ sở tham khảo để phục vụ thi hành án”.
Tại khoản 15 Điều 4 Luật giá số 11, quy định: “Thẩm định giá là việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn thẩm định giá”.
Tại khoản 2 Điều 32 Luật giá số 11 quy định: “Việc sử dụng kết quả thẩm định giá phải đúng mục đích ghi trong Hợp đồng thẩm định giá hoặc văn bản yêu cầu thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Như vậy mục đích của việc thẩm định giá là gì thì chỉ được sử dụng vào đúng mục đích đã thể hiện tại Hợp đồng thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá.Tuy nhiên, trong trường hợp này Hợp đồng thẩm định giá ghi mục đích thẩm định giá là “Phục vụ mục đích thi hành án”. Chứng thư thẩm định giá của Công ty TNHH thẩm định giá Chuẩn Việt lại ghi mục đích thẩm định giá là “Thẩm định giá trị bất động sản làm cơ sở tham khảo để phục vụ thi hành án”.  Chấp hành viên lại ký kết Hợp đồng bán đấu giá sử dụng giá tài sản tại chứng thư này làm giá khởi điểm để bán đấu giá tài sản (đã bán đấu giá thành) là bán đấu giá tài sản trái với mục đích thẩm định giá, vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về thẩm định giá tài sản.
Việc thẩm định giá quá cao so với giá trị thật của tài sản, tạo ra 01 số tiền giá trị tài sản không đúng thực tế dẫn đến việc đơn vị thẩm định giá thu phí thẩm định giá cả với số lượng giá trị không có thật của tài sản và việc bán đấu giá tài sản phải giảm giá nhiều lần đối với giá trị không có thật của tài sản, gây thiệt hại cho cả người được, người phải THA, làm kéo dài việc THA, điển hình:
Quyết định thi hành án số 169/QĐ-CCTHA ngày 16/3/2015 cho thi hành đối với Phạm Xuân Tạo, Nguyễn Thị Tươi (Phạm Thị Tươi) về khoản trả nợ số tiền 2.488.964.582 đồng cho DNTN Phú Lợi.
Tại chứng thư thẩm định giá số 72/2015/CT-TĐG/ADAC ngày 07/10/2015 của Công ty Asia Dragon Appraisat CO- 60 Nguyễn Quý Đức, An Phú, TP HCM, đã thẩm định giá quá cao so với giá trị thực tế của tài sản, cụ thể:
Tổng giá trị tài sản thẩm định giá là 7.211.000.000 đồng, giảm giá đến lần thứ 10 chỉ còn 2.900.000.000 đồng nhưng vẫn chưa có người mua.
Qua kiểm tra 02 tài sản trong khối tài sản được thẩm định giá trên, cụ thể:
+ Đất trồng cây lâu năm, định giá 360.000 đồng/m2 x 14.191,2 m2 = 5.108.832.000 đồng.
+ Trụ tiêu bê tông giá 367.000 đ/ trụ x giá trị còn lại 70%  x 779 trụ = 200.125.100 đồng.
Qua xác minh giá trị 02 loại tài sản trên, nhận thấy:
+ Đối với giá đất theo giá thị trường của vị trí lô đất trên, giá cao nhất vào thời điểm giá đất cao nhất này cũng chỉ 60.000.000 đồng/ 1 mét ngang. Lô đất trên có diện tích 39,78 mét ngang ( sâu vào 48,50+ 37,92: 2 = 44,11 x 39,78 = 1.175m2) x 60.000.000 đồng = 2.386.800 đồng + đất nông nghiệp còn lại 12.755m2 giá thị trường khoảng  800.000.000 đồng  = tổng cộng giá trị đất khoảng  3.186.800.000 đồng. Như vậy, giá thẩm định giá đã chênh lệch so với giá trị thực của lô đất là: 1.922.032.000 đồng (5.108.832.000 đồng –  3.186.800.000 đồng).
+ Trụ tiêu bê tông giá trị thực trên thị trường, giá 1 trụ mới chỉ  120.000 đồng/ trụ x 70% x 779 trụ = 65.436.000 đồng. Chênh lệch giữa giá thẩm định với giá thị trường là 134.689.100 đồng ( 200.125.100 đồng – 65.436.000 đồng).
Như vậy, chỉ tạm thời bóc tách với 02 loại tài sản trên đã xác định giá trị bị thẩm định giá thẩm định chênh lệch giá trị thật của tài sản lên: 2.056.721.100 đồng và với số tiền giá trị tài sản không đúng thực tế này đơn vị thẩm định giá đã gây ra hậu quả:
+ Thu phí thẩm định giá sẽ tăng lên đối với số tiền chênh lệch giá trị thật của tài sản này.
+ Phải giảm giá bán tài sản đối với vụ việc này đến lần thứ 10 với giá trị giảm giá còn lại là 2.948.894.100 vẫn chưa có ai mua tài sản.
+ Gây thiệt hại cho người được và người phải THA khi phải chịu chi phí bán đấu giá của các lần giảm giá đối với giá trị tài sản chênh lệch giá trị thưc của tài sản.
+ Làm cho việc bán đấu giá tài sản bị kéo dài vì phải giảm giá bán tài sản nhiều lần, việc THA bị kéo dài, tồn việc THA chưa giải quyết xong kéo dài, ảnh hưởng đến kết quả THA của đơn vị.
Vi phạm Điều 4 Thông tư 48/2017/TT-BTC ngày 15/5/2017 quy định chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản (gọi tắt là Thông tư 48/2017/TT-BTC) về việc thanh toán tiền bán hồ sơ đấu giá tài sản, điển hình:
Quyết định thi hành án số 392/QĐ-CCTHA ngày 09/5/2016 cho thi hành án đối với Đặng Đình Việt và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Lê Thị Lượng về khoản trả nợ tổng cộng 388.383.333 đồng cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam- Thông qua Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện KBang.
Theo thông báo bán đấu giá tài sản QSDĐ số BC 042059 do UBND huyện Kbang cấp ngày 07/5/2010 có 01 người đăng ký mua, tiền mua hồ sơ 100.000 đồng. Bán đấu giá thành tài sản ngày 08/9/2017, sau ngày có quy định số tiền bán hồ sơ đấu giá tài sản phải chuyển cho người có tài sản bán đấu giá.
Nhưng hồ sơ quyết toán giữa Công ty bán đấu giá với Chi cục THADS không quyết toán số tiền này và cũng không có chứng từ thanh toán số tiền tiền bán 01 bộ hồ sơ bán đấu giá tài sản THA cho Chi cục THADS. Chấp hành viên cũng không có văn bản yêu cầu Công ty bán đấu giá thanh toán trả lại khoản tiền này là thiếu sót, vi phạm Điều 4 Thông tư 48/2017/TT-BTC, bỏ lọt 100.000 đồng.
Ngoài ra còn một số dạng vi phạm khác như:
– Vi phạm về niêm yết công khai việc bán đấu giá tài sản chưa đảm bảo về nội dung; không tiến hành niêm yết hoặc tiến hành niêm yết chưa đầy đủ, thời gian niêm yết chưa đảm bảo, vi phạm khoản 1 Điều 28 Nghị định 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010.
– Vi phạm về việc không tiến hành việc thông báo công khai ít nhất 2 lần trên phương tiện thông tin đại chúng về việc bán đấu giá tài sản theo quy định là vi phạm khoản 2 Điều 28 Nghị định 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010.

2. Hoạt động kiểm sát thi hành án dân sự của Viện kiểm sát nhân dân
Qua công tác trực tiếp kiểm sát đối với Cơ quan thi hành án dân sự 2 cấp, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai nhận thấy một số hồ sơ thi hành án thẩm định giá, bán đấu giá tài sản có dấu hiệu thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản… Cũng có không ít trường hợp thẩm định giá không đúng quy trình dẫn đến kết quả thẩm định giá không phù hợp với giá trị thực của tài sản. Việc tổ chức bán đấu giá không đúng trình tự, thủ tục, thậm chí còn có hiện tượng một số đối tượng hoạt động mang tính “xã hội đen” tham gia vào quá trình bán đấu giá nhằm mục đích ép giá dẫn đến tài sản thi hành án không bán được, phải giảm giá nhiều lần, sau đó mới bán được, làm giảm giá trị của tài sản, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các đương sự.
Có trường hợp người phải thi hành án là tổ chức tín dụng khi cho vay thì thẩm định giá cao hơn nhiều lần so với giá trị thật của tài sản thế chấp. Khi phát mãi tài sản để thi hành án thì các tổ chức tín dụng làm việc với các trung tâm, tổ chức thẩm định giá “đề nghị” thẩm định giá phù hợp với giá tại thời điểm cho vay nên khi bán đấu giá phải giảm giá nhiều lần không bán được tài sản đã kéo dài thời gian tổ chức thi hành án và cũng không phản ánh đúng giá trị thật của tài sản và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự.
Trên thực tế còn có trường hợp người phải thi hành án lợi dụng quy định về định giá lại tài sản để yêu cầu định giá lại nhằm kéo dài thời gian thi hành án. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp các trung tâm, tổ chức thẩm định giá lợi dụng kẽ hở để chối bỏ trách nhiệm khi thẩm định giá không đúng quy trình gây thiệt hại cho đương sự. Cụ thể khi Cơ quan thi hành án dân sự ký hợp đồng thẩm định giá lần đầu với trung tâm thẩm định giá, tại chứng thư thẩm định giá xác định giá tài sản thẩm định quá cao hoặc quá thấp so với giá trị thật của tài sản, dẫn đến đương sự khiếu nại và yêu cầu thẩm định định giá lại với trung tâm, tổ chức thẩm định giá khác. Tại chứng thư thẩm định giá lần 2 lại xác định giá tài sản cao hơn hoặc thấp hơn tại chứng thư thẩm định lần 1. Qua xác minh giá thị trường nhận thấy kết quả thẩm định giá lần 2 xác định giá trị tài sản sát với giá thị trường, như vậy kết quả thẩm định giá lần 1 không khách quan, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự. Theo quy định của Luật THADS, chi phí thẩm định giá lại do người yêu cầu định giá lại chịu trừ trường hợp Chấp hành viên vi phạm nghiêm trọng dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản, như vậy trong trường hợp này, mặc dù lỗi là do trung tâm thẩm định giá lần đầu đã thẩm định không khách quan nhưng người yêu cầu định giá lại vẫn phải chịu chi phí, đây được coi là một bất cập.
Trong quá trình thực hiện các quy định về bán đấu giá tài sản, nhiều trường hợp cơ quan thi hành án đã phó mặc việc bán tài sản cho các tổ chức bán đấu giá, việc ký hợp đồng bán đấu giá giữa các cơ quan thi hành án với tổ chức bán đấu giá chưa chặt chẽ, nhất là điều khoản liên quan đến việc thanh toán tiền bán tài sản dẫn đến đa số tổ chức bán đấu giá lợi dụng để giữ lại tiền bán đấu giá trong thời gian dài nhằm hưởng lợi.
Luật tổ chức Viện kiểm sát năm 2014 đã quy định rõ Viện kiểm sát có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động thi hành án trong đó có hoạt động thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án của tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá. Và để việc kiểm sát không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các tổ chức thẩm định giá, tổ chức bán đấu giá, Quy chế công tác kiểm sát THADS, THAHS được ban hành theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC-V11 ngày 20/12/2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã quy định: “Việc trực tiếp kiểm sát tại cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến thi hành án dân sự chỉ tiến hành khi có căn cứ cho rằng có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động của cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự”. Mặc dù, Luật tổ chức Viện kiểm sát năm 2014 đã quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Viện kiểm sát trong việc kiểm sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự, tuy nhiên đến hiện nay Bộ Tư pháp vẫn chưa thống nhất quan điểm mà cho rằng tổ chức đấu giá tài sản không phải là tổ chức có liên quan đến hoạt động thi hành án và hoạt động bán đấu giá tài sản thi hành án của tổ chức đấu giá tài sản không thuộc đối tượng kiểm sát của VKSND dẫn đến việc thực hiện chức năng, quyền hạn của VKSND gặp nhiều khó khăn. Đến tại thời điểm này khó khăn này vẫn chưa được tháo gỡ.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Viện kiểm sát không tiếp cận hồ sơ ở giai đoạn Cơ quan THADS ký hợp đồng thẩm định giá, bán đấu giá với các trung tâm mà chỉ thông qua việc Cơ quan THADS gửi các thông báo bán đấu giá hoặc các Quyết định giảm giá mới nắm bắt được việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản đã kê biên. Kiểm sát viên cũng không trực tiếp tham gia các phiên đấu giá để kiểm sát việc bán đấu giá mà chỉ khi bán đấu giá thành đến giai đoạn giao tài sản cho người mua trúng đấu giá, Viện kiểm sát mới kiểm sát hồ sơ. Nếu phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc thẩm định giá, bán đấu giá mới yêu cầu tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến các vụ việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án để kiểm sát theo quy định.

3. Nguyên nhân của công tác kiểm sát việc thẩm định giá, bán đấu giá chưa đạt hiệu quả
– Sau khi cưỡng chế, kê biên, bán đấu giá thành tài sản và chuẩn bị giao tài sản cho người mua trúng đấu giá, thì Cơ quan thi hành án mới chuyển toàn bộ hồ sơ cho Viện kiểm sát tiến hành hoạt động kiểm sát, nên Kiểm sát viên không thể chủ động nắm bắt được các hoạt động tác nghiệp của Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thẩm định, bán đấu giá tài sản, nên không phát hiện được vi phạm, thiếu sót để kịp thời yêu cầu, bổ sung tài liệu.
Hiện nay, chưa có tiêu chí cụ thể để đánh giá chất lượng của các tổ chức thẩm định giá, việc lựa chọn các tổ chức thẩm định giá để ký hợp đồng chủ yếu dựa trên cảm tính nên vẫn còn tồn tại hiện tượng các tổ chức đưa ra giá quá cao hoặc quá thấp dẫn đến đương sự khiếu nại về giá hoặc tài sản phải giảm giá nhiều lần nhưng vẫn không bán được. Trong khi đó, việc quy định lựa chọn tổ chức thẩm định giá thực hiện sau quá trình kê biên dẫn đến việc chênh lệch đáng kể về giá tài sản kê biên. Thực tế cho thấy nhiều chính quyền địa phương thiếu sự hỗ trợ cho tổ chức bán đấu giá thực hiện các thủ tục niêm yết, đi xem xét hiện trạng tài sản…
– Cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát ở lĩnh vực này không được đào tạo chuyên sâu mà chủ yếu là chỉ là những Kiểm sát viên có thời gian công tác lâu năm tích lũy kinh nghiệm, đúc kết kỹ năng nghiệp vụ từ thực tế. Trong khi đó, ở đơn vị cấp huyện thì cán bộ, Kiểm sát viên phần lớn điều kiêm nhiệm, dẫn đến khả năng nghiên cứu chuyên sâu để phát hiện vi phạm còn nhiều hạn chế.
– Một số Kiểm sát viên chưa nghiên cứu kỹ các quy định của Luật Thi hành án dân sự, văn bản hướng dẫn và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến quy trình Thẩm định giá, bán đấu giá tài sản nên nắm chưa vững quy trình, quy định đối với việc Chấp hành viên ký kết các Hợp đồng Thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, nên quá trình kiểm sát chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm, chưa kịp thời phát hiện ra những thiếu sót, vi phạm của cơ quan thi hành án.
– Một vấn đề khá quan trọng đó là trong các cuộc trực tiếp kiểm sát đối với các Chi cục THADS, phòng 11 còn phát hiện rất nhiều hồ sơ THA Chấp hành viên không cập nhật đầy đủ các thủ tục Thẩm định giá, bán đấu giá nên khi kiểm sát hồ sơ THADS, kiểm sát không thể kiểm sát đầy đủ quy trình thẩm định giá, bán đấu giá trong hồ sơ THADS đó.

III. Giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kiểm sát việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản

Công tác kiểm sát việc tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá thi hành án dân sự là khâu nghiệp vụ đòi hỏi Kiểm sát viên, cán bộ phụ trách kiểm sát hoạt động này phải có kỹ năng nghiệp vụ kiểm sát tốt, có khả năng  tổng hợp các quy định pháp luật và văn bản pháp luật có liên quan, thường xuyên cập nhật, nghiên cứu các văn bản mới có liên quan để đánh giá việc tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá có đúng quy định của pháp luật hay không? Có tuân thủ đúng quy trình, thủ tục chưa? Có đảm bảo quyền lợi cho đương sự hay không?
Để kiểm sát tốt quy trình Thẩm định giá, bán đấu giá trước hết Kiểm sát viên cần có yêu cầu ngay từ đầu với Cơ quan THA là phải thu thập, xây dựng và cập nhật đầy đủ hồ sơ quy trình Thẩm định giá, bán đấu giá của các hồ sơ THADS-HC có phát sinh việc Thẩm định giá, bán đấu giá. Đây là bước cần thiết và quan trọng để có căn cứ thực hiện việc kiểm sát đối với loại việc THADS-HC có phát sinh quy trình này.
Để nâng cao được hiệu quả của công tác kiểm sát việc tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá trong thi hành án dân sự, qua kinh nghiệm thực tế và kết quả đã đạt được, cán bộ, KSV cần phải nắm được:
– Cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát THADS phải nắm chắc các quy định của pháp luật về THADS về thẩm định giá và bán đấu giá tài sản, bám sát nội dung Quy chế công tác kiểm sát THADS, nhất là cần nghiên cứu, đọc các tài liệu về thông báo rút kinh nghiệm có liên quan đến các vấn đề về Thẩm định giá, bán đấu giá tài sản để học hỏi, tích lũy kiến thức mới thực hiện tốt nhiệm vụ công tác kiểm sát THADS đối với những việc có phát sinh quy trình Thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án.
– Kiểm sát việc cho đương sự thỏa thuận giá phải được thực hiện đảm bảo quy trình theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 98 Luật THADS và việc Chấp hành viên ký hợp đồng thẩm định giá với Trung tâm thẩm định giá phải đảm bảo quy định tại Khoản 2 Điều 98 Luật THADS.
– Kết quả thẩm định giá phải được thông báo hợp lệ cho các đương sự theo quy định tại Điều 40, 41 Luật THADS.
– Kiểm sát hồ sơ chặt chẽ để xác định quyền thỏa thuận chọn tổ chức bán đấu giá của đương sự và Chấp hành viên thực hiện đúng quy định ký hợp đồng bán đấu giá tài sản tại Khoản 2 Điều 101 Luật THADS và quy định của Luật đấu giá tài sản.
– Kiểm sát chặt chẽ các thủ tục thông báo, niêm yết về bán đấu giá; các lần giảm giá tài sản phải đúng thời gian, tỷ lệ phần trăm giảm giá. Thủ tục thông báo cho người phải thi hành án, người được thi hành án và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải đảm bảo theo quy định.
– Kiểm sát thủ tục phiên bán đấu giá có diễn ra phải đúng quy định, người mua đấu giá thành tài sản phải thực hiện đúng quy trình về đăng ký mua tài sản đấu giá. Người mua trúng tài sản bán đấu giá phải nộp đủ tiền mua tài sản đúng theo thời hạn trong hợp đồng mua tài sản đã ký với trung tâm bán đấu giá đứng ra bán tài sản.
– Viện kiểm sát phải làm tốt công tác phối hợp với cơ quan thi hành án hoặc thông qua các đơn thư khiếu nại, tố cáo của đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan để nắm bắt các thông tin và thực hiện tốt hoạt động kiểm sát việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thông qua hồ sơ thi hành án của Cơ quan thi hành án. Đối với vụ việc mà Viện kiểm sát thực hiện kiểm sát phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì mới yêu cầu tổ chức bán đấu giá tài sản cung cấp hồ sơ, tài liệu của vụ việc cụ thể để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Từ đó mới kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu khắc phục vi phạm trong việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản và yêu cầu xem xét trách nhiệm pháp lý của người có vi phạm để có biện pháp xử lý, phòng ngừa vi phạm.

Tóm lại, nếu làm tốt công tác kiểm sát việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản trong THADS thì chúng ta sẽ hạn chế được vi phạm của cơ quan tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá, từ đó cũng sẽ phát hiện được sai phạm (nếu có) của Cơ quan THADS để có biện pháp đề xuất xử lý phù hợp, làm cho các vụ việc THADS được tổ chức thi hành theo đúng quy định của pháp luật, điều này cũng sẽ góp phần rất lớn trong việc hạn chế các đương sự có đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, đồng thời cũng sẽ nâng cao được kỹ năng kiểm sát THADS./.

Các bài viết trên blog được mình sưu tầm, tổng hợp từ nhiều nguồn, nhiều bài viết không tìm lại được tác giả, nếu có bất cứ thắc mắc, khiếu lại về bản quyền bài viết vui lòng liên hệ với mình theo số ĐT: 0929.17.27.86 , mình rất vui được tiếp nhận các thông tin phản hồi từ các bạn

Chi tiết về dịch vụ xin liên hệ:
CÔNG TY TNHH ĐỊNH GIÁ BẾN THÀNH – HÀ NỘI.
Trụ sở chính: Số 236 đường Cao Thắng, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.
Văn phòng: 781/C2 Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.
Mã số thuế: 0314521370.
Điện thoại: 0909399961 - 0929.17.27.86.
Email: [email protected].
Website: https://thamdinh.com.vn

Dịch Vụ của chúng tôi:
Thẩm định giá bất động sản
Thẩm định giá động Sản
Thẩm định giá máy móc thiết bị
Thẩm định dự án đầu tư
Thẩm định giá tri doanh nghiệp
Thẩm Định Giá tài sản vô hình
Thẩm định giá dự toán gói thầu
Thẩm Định Giá Dự toán, dự án xây dựng
Thẩm định giá trang thiết bị y tế
Thẩm định giá Xử lý nợ
Thẩm định giá nhà xưởng
Thẩm định giá đầu tư
Thẩm định giá tài chính định cư
Thẩm định giá tài chính du lịch
Thẩm định giá tài chính du học
Rate this post

Ngọc Tuân

- Tư vấn lĩnh vực thẩm định giá và công chứng - 0909399961

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *