Người dân có đất bị thu hồi ở TP.HCM sẽ được bồi thường với giá gấp 3-25 lần so với giá đất do UBND TP ban hành. Đây được xem là cách để kéo “giá đất nhà nước” tiệm cận với giá thị trường.
Với hệ số điều chỉnh mới, đất mặt tiền đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 1, TP.HCM, hệ số 4-5) giá nhà nước (giai đoạn 2020 – 2024) là 66 triệu đồng mỗi mét vuông, sẽ được xây dựng giá thương lượng bồi thường 264 – 330 triệu đồng mỗi mét vuông Ảnh: QUANG ĐỊNH
Việc đưa ra hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tăng hàng chục lần so với bảng giá đất nhà nước được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, đặc biệt trong bối cảnh TP.HCM triển khai nhiều công trình trọng điểm.
Dự án nào sẽ được áp dụng?
Lâu nay giá bồi thường là điểm nghẽn lớn nhất làm ách tắc việc giải phóng mặt bằng các dự án. Người có đất bị thu hồi thường không đồng ý với giá do cơ quan nhà nước đưa ra vì cho rằng thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Việc này dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện căng thẳng, làm chậm tiến độ các dự án.
Theo quyết định về hệ số K để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ở TP.HCM năm 2023 vừa được UBND TP.HCM phê duyệt áp dụng từ ngày
18-3, khu vực đất ở có hệ số K cao nhất là huyện Hóc Môn (10-25) và TP Thủ Đức (6-25). Khung hệ số này tăng đáng kể so với thời điểm năm 2022 (tối đa 15). Khung hệ số áp dụng tại huyện Bình Chánh là 6-22, Nhà Bè là 10-21, Củ Chi là 13-20. Các địa phương còn lại có khung hệ số tối đa dưới 20.
Các loại đất phi nông nghiệp không phải đất ở được bồi thường theo tỉ lệ khác nhau, bao gồm đất thương mại, dịch vụ tính bằng 80% giá đất ở liền kề. Các loại đất khác như đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ; đất nghĩa trang, nghĩa địa; đất giáo dục, y tế; đất tôn giáo tính bằng 60% giá đất ở liền kề.
Riêng đất nông nghiệp có khung hệ số cao nhất 5-38 giá nhà nước (huyện Bình Chánh), cao hơn mức tối đa 35 của năm 2022. Đất nông nghiệp các quận 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp có hệ số K tối đa 35. Các địa phương còn lại có hệ số tối đa dưới 30.
UBND TP.HCM yêu cầu các địa phương rà soát các dự án đã được phê duyệt trong thời gian không quá một năm để cân đối đưa hệ số K cụ thể vào phương án bồi thường. Trường hợp các địa phương không có dự án được UBND TP phê duyệt trong khoảng thời gian trên thì thu thập thông tin tại khu vực lân cận có điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, kết cấu hạ tầng kỹ thuật tương đồng, từ đó cân đối áp dụng mức hệ số cụ thể phù hợp.
Giá sẽ tăng gấp 10-25 lần so với giá đất nhà nước ở huyện Hóc Môn, TP.HCM khi bị thu hồi – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tăng cao nhưng chưa sát
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Văn Quân – phó trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Hóc Môn – cho biết hiện giá đất tại các tuyến đường ở huyện đã cao hơn rất nhiều so với trước kia. Nhiều đường như Đặng Thúc Vịnh, Lê Thị Hà được bê tông hóa, xây dựng hoàn thiện nên giá đất ở đây rất cao, nếu áp dụng khung hệ số K 8-15 như năm 2022 sẽ khó nhận được sự ưng thuận của người dân.
Mặt khác, bảng giá đất do UBND TP.HCM ban hành thấp hơn so với giá thực tế và không còn phù hợp cho Hóc Môn. Ví dụ đất trên quốc lộ 22 theo bảng giá nhà nước đang ở mức 1,8 triệu đồng/m2, dù có nhân lên 25 lần (mức cao nhất theo khung mới) thì giá bồi thường cũng chỉ hơn 40 triệu đồng/m2, không phản ánh đúng giá thực tế trên đoạn đường này.
”Dự án đường vành đai 3 đi qua địa bàn huyện sẽ áp dụng hệ số mới này. Dự án này dự kiến niêm yết dự thảo phương án bồi thường sau 18-3. Trong biên độ hệ số K từ 10-25, huyện sẽ phân chỉnh giá đất hài hòa các khu vực trên địa bàn huyện”, ông Quân cho biết.
Theo một lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Tân Phú, trước đây Tân Phú là một phần quận Tân Bình, giá đất được kế thừa từ ngày trước nên hệ số K của Tân Phú lâu nay vẫn thấp và không còn phù hợp với tốc độ phát triển của quận. Quận đã đề xuất tăng hệ số K từ năm 2022, nhưng năm nay mới được TP duyệt lên 7-18 (năm 2022 là 7-8).
“Nhìn hệ số K tăng cao trong năm nay nhưng thực tế giá bồi thường của quận Tân Phú hiện nay vẫn thấp hơn quận Tân Bình bởi vẫn phải dựa vào bảng giá đất. Bảng giá đất của quận không còn phù hợp với thị trường nên phải điều chỉnh hệ số để tương đối phù hợp, tiệm cận thực tế”, vị này cho hay.
Giá bằng thị trường, không cần hệ số K
Trong buổi tọa đàm về góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) tổ chức ngày 14-3, ông Trần Văn Bích – trưởng phòng nghiên cứu phát triển kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – đánh giá việc TP.HCM ban hành hệ số K cao 3-25 lần làm cơ sở tính giá bồi thường sẽ tạo sự hài lòng hơn khi thu hồi đất của người dân làm các dự án công cộng.
Theo ông Bích, lâu nay người dân có đất trong các dự án công cộng, an ninh, quốc phòng được bồi thường thấp hơn nhiều so với các dự án thương mại. Đây là sự thiệt thòi của người dân, bởi dự án công cộng phục vụ mục đích chung của toàn xã hội, nhưng một nhóm hộ dân lại phải chịu thiệt thòi.
Trong khi lẽ ra những công trình càng quan trọng, công trình phục vụ công cộng càng phải bồi thường thỏa đáng cho người dân. Giá bồi thường quá thấp, người dân lần lữa không đồng tình sẽ khiến dự án kéo dài, thiệt hại kinh tế nhiều khi còn nhiều hơn số tiền bỏ ra bồi thường cho dân thỏa đáng.
“Theo tôi, nên phân loại các công trình cần thu hồi đất theo mức độ quan trọng. Dự án càng cấp thiết càng phải bồi thường thỏa đáng, tiệm cận giá thị trường để người dân hài lòng bàn giao mặt bằng”, ông Bích ý kiến.
TS Dư Phước Tân – Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – cũng đánh giá việc đưa ra hệ số K cao gấp hàng chục lần bảng giá đất sẽ tạo điều kiện để các cơ quan thu hồi đất làm việc dễ dàng hơn với người dân. Tuy nhiên, theo ông Tân, hiện nay bảng giá đất được xây dựng còn cách xa giá thị trường nên về lâu dài cần nghiên cứu và rà soát để xây dựng bảng giá đất tiệm cận giá thị trường mà không cần đến hệ số K.
Phải ban hành bảng giá đất tiệm cận với thị trường
Ngày 14-3 tại Cần Thơ, Chính phủ tổ chức hội nghị lấy ý kiến lãnh đạo 19 tỉnh thành phía Nam về dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật đất đai.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo nhiều tỉnh thành cho rằng cần thiết phải ban hành bảng giá đất tiệm cận với giá thị trường để đảm bảo quyền lợi cho người dân khi bị thu hồi đất, cũng như thuận lợi trong việc bồi thường giải tỏa thực hiện các dự án công cộng.
PGS.TS Phan Trung Hiền – trưởng khoa luật Trường đại học Cần Thơ – đề xuất bổ sung vào dự thảo luật nguyên tắc công khai, minh bạch trong xác định giá đất. Cần có tiêu chí cụ thể đối với nội dung “người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” được nêu trong dự thảo.
Ông Nguyễn Thanh Nhàn – phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang – đề nghị nghiên cứu đưa thêm nội dung vào dự thảo luật để đảm bảo hài hòa lợi ích đối với người bị thu hồi đất.
Đối với nhóm thu hồi đất để thực hiện dự án an ninh quốc phòng, trật tự công cộng thì làm theo quy định, còn dự án có sinh lợi thì tính toán hài hòa lợi ích như xem xét bố trí tái định cư tại chỗ cho người dân bị ảnh hưởng, ưu tiên cho người dân mua nền hoặc nhà ở thương mại tại dự án với tỉ lệ tương ứng diện tích mà họ bị thu hồi.
CHÍ QUỐC
Giá bồi thường đã cũ, 20 năm chưa giải phóng được mặt bằng
Tại Đồng Nai, hai dự án khu công nghiệp Sông Mây và Hố Nai ở huyện Trảng Bom đã thực hiện hơn 20 năm nhưng đến nay còn hơn 80ha chưa thể kiểm đếm, giải phóng mặt bằng để giao đất cho nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Ngọc Thường – phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai – cho biết khu đất được giao cho chủ đầu tư làm khu công nghiệp từ năm 2003, kéo dài cho đến khi có Luật đất đai 2013. Tuy nhiên, điều khoản chuyển tiếp của Luật đất đai 2013 chưa quy định rõ những trường hợp chuyển tiếp sẽ giải quyết giá đất thu hồi của người dân như thế nào nên việc giao đất còn lại ở nhiều khu công nghiệp kéo dài.
Ông Thường thừa nhận luật quy định giá đất sát giá thị trường nhưng giá thị trường không biết nằm ở đâu vì giá hiện không minh bạch, lộn xộn không quản lý được.
“Dân nói thị trường cao mà chính quyền áp giá thấp nên chưa đồng thuận. Luật đất đai 2013 quy định giá theo giá thị trường nhưng rất khó để có giá thị trường chuẩn tham khảo. Điều này cũng rủi ro cho tất cả những đơn vị làm công tác định giá đất để bồi thường. Luật đất đai sửa đổi tới đây cần đưa ra quy định giá đất sao cho công khai, minh bạch rõ ràng. Nếu biết rõ giá đất bao nhiêu, lên xuống từng ngày, từng giờ ra sao chắc chắn người dân sẽ đồng thuận”, ông Thường nói.
SƠN ĐỊNH
Hà Nội: chưa có dự kiến thay đổi
Một lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết TP đã có quy định hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để lập phương án bồi thường, hỗ trợ và hiện không có dự kiến thay đổi.
Theo đó, với trường hợp giải tỏa trắng mà không đủ điều kiện để nhận đất ở, nhà ở tái định cư thì hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ tỉ lệ phần trăm tính theo giá đất do UBND TP Hà Nội quyết định tại thời điểm thu hồi.
Trường hợp phải di dời khỏi xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi và nơi đăng ký thường trú thì được mua căn hộ tái định cư hoặc giao đất tái định cư nếu đảm bảo các điều kiện và phải đóng tiền sử dụng đất theo quy định. Phần diện tích vượt quá suất đất ở hoặc nhà ở tái định cư thì tính hệ số K là 1,1 hoặc 1,3 tùy từng khu vực cụ thể.
Ông Đào Ngọc Nghiêm – nguyên giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc – cho biết Hà Nội đã có quyết định 30/2019 về ban hành quy định và bảng giá các loại đất áp dụng từ 1-1-2020 đến 31-12-2024 để áp dụng cho việc thu hồi, giải phóng mặt bằng. Bảng giá đất này thay đổi hằng năm và tùy từng nơi, địa điểm, dự án sẽ có hệ số K điều chỉnh khác nhau sau khi được phân tích, lấy ý kiến HĐND.
THÀNH CHUNG
Cần Thơ: để coi TP.HCM làm sao rồi xin ý kiến bộ
Ông Nguyễn Chí Kiên – phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Cần Thơ – cho biết khung giá đất của Cần Thơ gần bằng giá thị trường. Sở đang định giá đất cụ thể để tính bồi thường đối với đất nông nghiệp dự án Khu công nghiệp VSIP (huyện Vĩnh Thạnh) thì giá thị trường chỉ cao hơn giá đất UBND TP Cần Thơ ban hành 1,1 lần. Do đó không thể áp hệ số K với đất nông nghiệp gấp 38 lần giống TP.HCM.
“Để coi TP.HCM làm sao, sở tiếp tục nghiên cứu cách họ làm rồi xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ làm như thế được hay không, còn áp dụng như TP.HCM thì chưa dám làm”, ông Kiên nói.
Ông Dương Tấn Hiển – phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ – cho biết quyết định số 18/2022 của UBND TP quy định tùy khu vực mà chỉ số K dao động từ 1,2-1,7. Hiện TP đang xây dựng quyết định để áp dụng cho năm 2023.
“Nhìn chung mấy năm nay cũng không có sự điều chỉnh lớn. Riêng bảng giá đất thì TP có điều chỉnh và đang giao cho Sở Tài chính làm để trình HĐND TP. Bảng giá đất năm năm ban hành một lần, nhưng hằng năm có phát sinh một khu dân cư mới, con đường mới hoặc nơi nào có biến động trên 20% thì phải xác định giá lại”, ông Hiển nói.
L.DÂN – C.QUỐC
Đường Bạch Đằng (bên phải bờ sông Hàn) đang là khu vực có hệ số điều chỉnh khung giá đất khá cao so với mặt bằng chung ở Đà Nẵng – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Đà Nẵng: giá thị trường giảm, hệ số K tăng!
Một lãnh đạo quận ở Đà Nẵng cho hay hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) ở Đà Nẵng khá ổn định trong những năm qua với cả ba loại đất: đất ở, đất thương mại dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp.
Quyết định 03/2022 ban hành cụ thể hệ số K đối với 2.419 tuyến đường trong khu vực đô thị, chủ yếu là từ 1-1,2. Riêng đường Bạch Đằng ven sông Hàn (thuộc quận Hải Châu) có hệ số cao nhất 1,5-2,9 tùy đoạn.
Ông Nguyễn Văn Phụng – giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng – cho biết hiện nay UBND TP đang trình HĐND TP khung hệ số K của năm 2023 với hệ số trung bình lên tới 2,3. Lý giải việc giá đất thị trường có xu hướng giảm nhưng hệ số K lại tăng, ông Phụng cho rằng vẫn hợp lý vì lâu nay hệ số K có sự chênh lệch lớn với giá thực tế.
“Tất nhiên khi xây dựng lại chúng tôi bám sát thị trường. Có nơi hệ số giảm, có nơi hệ số tăng chứ không đồng nhất. Tuy nhiên bình quân chung toàn TP thì hệ số K tăng 2,3 sẽ tiệm cận khá nhiều với giá đất thị trường. Tôi tin khi được thông qua, việc này sẽ tạo điều kiện để việc giải tỏa đền bù nhanh hơn, đáp ứng được việc giải ngân dòng vốn đầu tư công”, ông Phụng nói.
Ngoài ra, tại Đà Nẵng cũng chủ động bám sát thị trường để ban hành quyết định về hệ số điều chỉnh giá đất và giá đất ở một số dự án bồi thường, tái định cư nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
TRƯỜNG TRUNG
Các bài viết trên blog được mình sưu tầm, tổng hợp từ nhiều nguồn, nhiều bài viết không tìm lại được tác giả, nếu có bất cứ thắc mắc, khiếu lại về bản quyền bài viết vui lòng liên hệ với mình theo số ĐT: 0909399961 , mình rất vui được tiếp nhận các thông tin phản hồi từ các bạn
Chi tiết về dịch vụ xin liên hệ:
CÔNG TY TNHH ĐỊNH GIÁ BẾN THÀNH – HÀ NỘI.
Trụ sở chính: Số 236 đường Cao Thắng, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.
Văn phòng: 781/C2 Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh.
Mã số thuế: 0314521370.
Điện thoại: 0909399961Email: ngoctuan.tdg@gmail.com.
Website: //thamdinh.com.vn
Thẩm định giá bất động sản
Thẩm định giá động Sản
Thẩm định giá máy móc thiết bị
Thẩm định dự án đầu tư
Thẩm định giá tri doanh nghiệp
Thẩm Định Giá tài sản vô hình
Thẩm định giá dự toán gói thầu
Thẩm Định Giá Dự toán, dự án xây dựng
Thẩm định giá trang thiết bị y tế
Thẩm định giá Xử lý nợ
Thẩm định giá nhà xưởng
Thẩm định giá đầu tư
Thẩm định giá tài chính định cư
Thẩm định giá tài chính du lịch
Thẩm định giá tài chính du học